> Thăng Long sửa chưa xong, Thanh Trì đã xuống cấp
Do bị bong gãy nên nhiều khe co giãn cầu Thanh Trì được trám bằng bê tông. Ảnh: Trọng Đảng. |
Khe co giãn trám bằng bê tông
Theo các chuyên gia giao thông, KCG là phần liên kết mặt bê tông nhựa và dầm cầu với nhau, ngoài giúp cho phương tiện đi lại êm thuận KCG còn giữ đàn hồi và chống thấm nước cho các bản kết cấu thép bên dưới.
Tuy nhiên những ngày qua, ngoài những đoạn trồi lún, tài xế ô tô lo ngại khi đi qua các KCG trên cầu Thanh Trì. Nhiều tài xế cho biết, một số KCG lõm xuống, bị bong gãy, trồi khỏi mặt cầu, tạo thành những gờ cản tốc, khiến xe chạy qua cứ nhảy chồm chồm và mất thăng bằng.
Quan sát các KCG cầu Thanh Trì những ngày qua, PV Tiền Phong ghi nhận, toàn bộ cầu Thanh Trì hiện được liên kết bởi hơn 24 KCG, nhưng hầu hết các KCG này đang bị bong gãy.
Không chỉ KCG cao su mà một số KCG răng lược bản thép cũng bị bong bật khỏi vị trí liên kết. Nặng nhất là các KCG từ số 3 đến số 24 chiều QL 5 - Thanh Trì (phải tuyến), nhiều răng liên kết bản thép và đệm cao su của KCG ở đây bị bong, trồi lên mặt đường.
Ông Nguyễn Chí Thành, hạt trưởng hạt quản lý cầu Thanh Trì, Cty Quản lý đường bộ 248, Khu quản lý đường bộ 2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện tượng hư hỏng các KCG xảy ra hơn một năm nay, ban đầu chỉ một số KCG bằng cao su nhưng đến nay các KCG bản thép cũng bị hư hỏng.
Theo ông Thành, với các KCG hư hỏng nặng như số 3, 5, 8, 13 và 24 hiện được Hạt xử lý tạm thời bằng việc trám các lớp bê tông để các phương tiện đi lại thuận lợi. Về lâu dài và có phương án khắc phục đúng tiêu chuẩn, Hạt đã có báo cáo gửi chủ đầu tư (BQL Dự án Thăng Long - PMU Thăng Long - Bộ GTVT) và các bên liên quan.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Trường An, PGĐ Cty Quản lý đường bộ 248 - Khu Quản lý đường bộ 2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (đơn vị quản lý cầu Thanh Trì) cho biết: “Tuy chưa tìm ra nguyên nhân chính thức nhưng các vụ tai nạn giao thông và ô tô nổ lốp gần đây trên cầu Thanh Trì xảy ra khá nhiều so với khi cầu mới đưa vào hoạt động”, ông An lo ngại.
Theo ông An, để khắc phục tình trạng trồi lún mặt cầu Thanh Trì, sau khi Cty kiến nghị, Khu Quản lý đường bộ 2 vừa có đề xuất phương án xử lý gửi PMU Thăng Long và các đơn vị có liên quan.
Theo văn bản đề xuất này, đối với toàn bộ phần bê tông bị trồi lún trên mặt cầu Thanh Trì, Khu quản lý đường bộ 2 đưa ra phương án cần cắt bỏ và thảm lại mặt bằng lớp bê tông nóng hoặc nhựa nguội. Với lớp phòng nước có liên quan cần được cắt bỏ và thay bằng lớp vật liệu radcon 7.
Đại diện PMU Thăng Long cũng vừa cho biết, Ban đã nhận được phương án đề xuất của Cty Quản lý đường bộ 248 và Khu Quản lý đường bộ 2. Tuy nhiên để thực hiện được phương án trên cũng như một số phương án sửa chữa mặt cầu Thanh Trì mà PMU Thăng Long đưa ra phải được sự chấp thuận của Bộ GTVT. Do vậy tất cả các phương án này đã được Ban báo cáo và đang chờ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ. |