> Bí ấn bé gái 11 tuổi có khả năng phát cháy
Thiết bị hiện ảnh trường cộng hưởng (RFI). Ảnh: VTC. |
Trao đổi với Tiền Phong, một bác sĩ làm ở Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM, cho biết, để phát hiện những tổn thương ở não lâu nay, các chuyên gia ngoại thần kinh dựa vào máy CT scan và MRI.
Tuy nhiên hiện nay, hiện đại hơn nữa là dùng máy PET- CT. Từ trước tới giờ, chưa bao giờ tôi nghe tới máy chụp hào quang RFI - Bác sĩ này nói.
Trong khi đó, Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Y khoa Medic TPHCM cho biết, dù luôn trang bị những thiết bị hiện đại nhất về chẩn đoán hình ảnh trong y khoa nhưng cho đến nay vẫn chưa biết loại máy này.
Theo ông, nếu có máy RFI mà giá quá rẻ lại phát hiện được hào quang trong não con người, thì các cơ sở y tế cũng không phải mua MRI hay PET- CT lên đến 30 - 40 tỷ đồng/cái.
Trên trang web của trường Đại học Hồng Bàng xuất hiện hai bài viết về máy chụp hào quang RFI được giới thiệu là “Máy đo hào quang RFI”.
“Đây là một kiểu mở rộng của thiết bị MRI. Công nghệ mới này cho ta thông tin khoa học chi tiết và những diễn giải khách quan đối với tất cả các dạng hào quang và các trường năng lượng sinh học, xác định kiểu dáng và chức năng của tất cả các năng lượng sinh học có trong các khu vực cụ thể của não người” - bài viết giới thiệu.
Ngoài ra, thông tin còn cho biết: “máy RFI còn cho ta một bức tranh đầy đủ về tâm lý có thể khám phá đầy đủ vai trò tâm lý của người bệnh trong tình trạng sức khỏe của họ.
Mặc dù RFI không sử dụng để chẩn đoán y khoa cho một số bệnh đặc biệt, nó cho ta những thông tin toàn diện về tình trạng sức khỏe của người bệnh và cung cấp những thông tin chi tiết để các bác sĩ có thể sử dụng như là yếu tố bổ sung cho các quyết định chuyên môn”.
Tuy nhiên, cũng như cô bé phát cháy, thực hư của chiếc máy vẫn còn tù mù với nhiều người