> Không thể cứ chất vấn xong rồi để đấy
Theo Báo cáo, những tháng đầu năm 2012, tình hình khiếu nại, tố cáo có nhiều diễn biến phức tạp. Số vụ việc, số lượt công dân, số lượng đoàn đông người, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo đều tăng, trong đó khiếu nại, tố cáo liên quan lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ lớn.
Cử tri cho rằng, tình trạng trên chủ yếu là do chính sách bồi thường cho người có đất bị thu hồi còn nhiều bất cập, hay thay đổi, thiếu nhất quán, giá bồi thường thấp, có sự chênh lệch quá lớn giữa giá đất bồi thường so với giá thị trường hoặc giá nhà đầu tư bán; thu hồi đất nhưng chậm sử dụng, để hoang hóa, trong khi người dân không có đất để sản xuất; công tác quản lý đất đai còn sơ hở, lỏng lẻo; không ít cán bộ lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực nhưng không bị xử lý nghiêm minh.
“Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo giải quyết tới nơi tới chốn những vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài; chỉ đạo người đứng đầu chính quyền các cấp phải dành thời gian để tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Việc thu hồi đất phải đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân có đất bị thu hồi; việc tổ chức cưỡng chế phải đúng trình tự pháp luật, có lý, có tình, phải đối thoại, vận động trước khi cưỡng chế; làm rõ trách nhiệm của những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không thực hiện đúng pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, đùn đẩy, né tránh”, báo cáo nêu.
Cử tri cũng phản ánh, tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, trên nhiều lĩnh vực. Tình trạng người dân buộc phải lót tay cho cán bộ công chức khi quan hệ giải quyết công việc diễn ra ở nhiều nơi.
Quốc hội, Chính phủ cần sớm sửa đổi pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tổ chức lại cơ quan phòng chống tham nhũng đủ mạnh; sớm thực hiện chủ trương lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Tháo gỡ khó khăn về đời sống
Cử tri cũng lo lắng về sự phát triển chưa bền vững của nền kinh tế; lạm phát, giá cả vẫn ở mức cao; sản xuất, đời sống, việc làm của người dân gặp nhiều khó khăn; chênh lệch giàu nghèo gia tăng.
Tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Đời sống của nhiều công nhân, nông dân, người nghèo, đồng bào vùng sâu vùng xa, người có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn do giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao.
Cử tri kiến nghị Chính phủ có các giải pháp nhằm bình ổn giá cả mặt hàng thiết yếu, tăng cường biện pháp quản lý, kiểm soát giá cả thị trường, xử lý nghiêm những trường hợp tự ý nâng giá, tăng giá bất hợp lý.
Theo cử tri, tình hình sản xuất đang gặp nhiều khó khăn, hàng ngàn doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải giải thể, phá sản, tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất; người lao động mất việc làm tăng.
Trong khi đó, các tập đoàn kinh tế nhà nước được đầu tư lớn về vốn, đất đai và nhiều ưu đãi khác, nhưng kết quả hoạt động không tương xứng. Nhiều tập đoàn đầu tư ngoài ngành hiệu quả thấp, lâm vào tình trạng khó khăn, khó thu hồi vốn, thậm chí có tập đoàn làm ăn thua lỗ.