Lời dặn

Lời dặn
TP - Ông thứ trưởng Bộ Y tế dặn phóng viên dự họp báo về bệnh lạ ở Ba Tơ- Quảng Ngãi: “Không ai hỏi gì các đại biểu nước ngoài nhé”. Bệnh tật đang gây hoang mang cho người dân. Ngành y tế địa phương kêu: Còn nguy hiểm hơn chống giặc. Thế mà, rốt cục chưa biết Bộ Y tế có phối hợp với tổ chức Y tế thế giới hay không.

> WHO chưa nhận được lời mời vào cuộc chữa bệnh lạ

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới ở Việt Nam và Trưởng đại diện Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam được mời đến để ngồi để nghe và để đẹp đội hình. Chỉ vì một lời dặn. Mà ở đây việc được dặn không làm chẳng rõ là có liên quan gì đến lợi ích của quốc gia, dân tộc, người dân hay không.

Ở ta, lời dặn xuất hiện ở các cuộc họp báo của đơn vị này, đơn vị nọ... không hiếm, dạng như: Hỏi nhè nhẹ thôi nhé, Nhớ đừng hỏi chuyện đó nhé.

Hơn 60 năm trước, Phùng Quán viết Lời mẹ dặn: “Con ơi một người chân thật/ Thấy vui muốn cười cứ cười/ Thấy buồn muốn khóc là khóc/ Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét thành yêu”.

Lời dặn phải đến từ người lớn hơn mình, có kinh nghiệm và nhận thức cao hơn mình. Lời dặn của Thúy Kiều với Thúy Vân, lời dặn của ông bà trước lúc lâm chung, lời dặn của thầy cô khi ta ra trường, lời dặn của cha mẹ khi ta xa nhà, toàn những lời đáng nghe và luôn đi cùng ta trong cuộc đời.

Mỗi lời dặn đều xuất phát từ nhu cầu chân thật và yêu cầu người được dặn phải chân thật. Nhà thơ Thạch Quỳ sau khi dặn con rất nhiều cũng quay về điều ấy: “Vì thế nên, lời cha dặn dò/ Cũng chưa hẳn đã là điều đúng nhất/ Cha mong con lớn lên chân thật/ Yêu mọi người như cha đã yêu con” (Với con).

Dặn để ngăn chặn sự chân thật, thì có cần thiết phải nghe không?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG