Dân nghèo đi vì giá đền bù thấp

Nông dân lên thành phố mưu sinh. Ảnh: Hồng Vĩnh
Nông dân lên thành phố mưu sinh. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở VN năm 2011 (PAPI) vừa được công bố cho thấy, trung bình toàn quốc chỉ có 12,8% số hộ gia đình bị thu hồi đất trả lời giá đền bù gần với giá thị trường.

> Dân sẽ được chọn nhà tái định cư tại Hà Nội

Giáo sư Đặng Ngọc Dinh (ảnh), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề này.

Qua khảo sát của PAPI, có gần 90% hộ bị thu hồi đất khi được hỏi đã trả lời giá đền bù không sát với giá thị trường, ông nghĩ sao?

Không chỉ ở PAPI, mà trong nhiều đề tài liên quan như tham nhũng trong đất đai, khiếu kiện đất đai…thì thấy một trong những lý do chủ yếu người dân mất đất khiếu kiện là giá đền bù thấp.

Chính sách đất đai liên tục thay đổi và giá đền bù cũng được nâng dần lên. Nhưng, những dự án làm đô thị, dịch vụ trên đất nông nghiệp thì người dân đều nói được đền bù thấp.

Giá đất nông nghiệp quy định hiện nay theo thang nấc của đất không sinh lợi hoặc sinh lời rất thấp. Tuy nhiên, khi quy hoạch và triển khai dự án, giá cơ hội của chính khu đất đấy đã tăng cao.

Người dân chả biết đất đó làm nông nghiệp, công nghiệp hay đô thị mà chỉ biết tôi được đền bù đất này 100 nghìn đồng/m2, nhưng sau đó giá tăng lên 20 triệu đồng/m2, nông dân họ “đau” quá và kêu lên như thế.

Tóm lại, chính sách đất đai chưa quan tâm đến giá cơ hội của đất đai. Chính quyền, doanh nghiệp (DN) có thể nói đền bù như vậy là không thấp, bởi đất nông nghiệp chỉ sinh lời như vậy.

Nhưng khi một con đường đi qua, khu đô thị được mở ra thì giá khác rất nhiều. Đây là điều chúng ta chậm sửa đổi, dẫn đến giằng co, nảy sinh nhiều khiếu kiện trong đền bù, thu hồi đất.

Như vậy là khi chuyển đổi đất nông nghiệp sang đô thị, chênh lệch giá đất đã không được xử lý hài hòa, thưa ông?

Đúng vậy, chênh lệch giá đất sau khi chuyển đổi không được xem xét một cách nghiêm túc, xử lý chưa hài hòa giữa quyền lợi của DN và người dân mất đất.

Nhà nước đền bù trên cơ sở giá đất nông nghiệp, nhưng đất đó được chuyển sang xây biệt thự, khu đô thị thì giá khác hẳn. Lúc quy hoạch, nhà nước coi đó là đất trồng lúa, xa xôi, khi chuyển sang đô thị giá đất tăng, thì người dân thấy bị thiệt thòi.

Phải lo sinh kế cho dân

Nông dân lên thành phố mưu sinh. Ảnh: Hồng Vĩnh
Nông dân lên thành phố mưu sinh. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Người dân ở Văn Giang, Hưng Yên cũng cho rằng, mức đền bù hơn 100 nghìn đồng/m2 đối với đất nông nghiệp của họ là thấp, trong khi trên mảnh đất đó nông dân làm cây cảnh có thể thu vài chục triệu đồng/sào/năm?

Như tôi đã nói, ở Văn Giang cũng rơi vào tình trạng, lợi ích chưa được xử lý hài hòa. Ngoài ra, còn một vấn đề rất quan trọng nữa là sinh kế, có khi đền bù cao gấp 5 lần như thế nhưng mất sinh kế thì nông dân vẫn khó khăn.

Sinh kế là điều không thể đền bù ngay được. Ngoài đền bù giá đất thì phải lưu ý việc làm.

Một hộ nông dân có 1.000 m2 đất bị thu hồi hết thì họ mất tư liệu sản xuất. Nhiều nước họ cho nông dân đầu tư cùng, tham gia là cổ đông để họ có nguồn thu nhập.

Có thực tế là chính quyền địa phương, DN nói giá đất cao khó có cơ hội đầu tư, phát triển công nghiệp, đô thị, trong khi nông dân lại cho rằng giá đền bù thấp, vậy làm sao có sự hài hòa, ông nghĩ sao?

Muốn hài hòa thì phải quay lại những vấn đề cơ bản: Giá đất, phương thức thu hồi… Đó là sự xung đột nảy sinh trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Nước nào cũng gặp phải vấn đề này.

Bởi đô thị hóa, công nghiệp hóa là yêu cầu tất yếu, nhưng có nước làm nhanh, nước làm chậm. Muốn xử lý căn bản phải đụng đến Luật Đất đai, chính sách thu hồi, an sinh xã hội.

Thiên vị doanh nghiệp

Một số nơi người dân nghèo đi vì mất đất nông nghiệp, DN, cán bộ giàu lên nhanh chóng từ đất đai, đây có phải là lý do khiến gia tăng khiếu kiện về đất đai?

Thực ra, trong quá trình công nghiệp hóa, thời kỳ đầu chính sách ưu tiên DN là đúng. Khi đó, đất nước còn nghèo, đất đai không tạo ra nhiều của cải, kéo được DN ngoài nước, trong nước vào đầu tư là tốt.

Nhưng nếu 10- 20 năm sau, chính sách không thay đổi, tiếp tục ưu ái DN thì sẽ nảy sinh xung đột. Đây là quá trình công nghiệp hóa thiên vị DN. Những nước đang phát triển, chưa đủ tầm nhìn xa thì hay rơi vào tình trạng này.

Ở đây chưa nói đến chuyện tham nhũng, “lợi ích nhóm” mà là chính sách không theo kịp, điều chỉnh kịp cho phù hợp với thực tế. Ngoài ra, nếu có gì không rõ ràng giữa DN và cán bộ nhà nước thì càng phức tạp.

Vậy chính sách, pháp luật đất đai theo ông cần sửa đổi, bổ sung thế nào?

Chúng ta đã nhìn thấy bệnh là sự không hài hòa lợi ích và nông dân bị thiệt. Ngoài ra, còn có điều gì đó tắc nghẽn mà căn nguyên nằm ở Luật Đất đai, chứ không phải nằm ở việc thực thi chính sách, đạo lý của cán bộ, DN.

Một cái lõi nữa cần xem xét là tính chất sở hữu. Sở hữu là quyền riêng biệt của từng bên.

Hiện nay, người dân mới chỉ được quyền sử dụng, thì tới đây làm sao phải tăng quyền cho người dân có đất. Không nên hiểu, khi tăng quyền cho người dân thì họ làm hại đất đai.

Mà quyền tăng lên thì đất đai càng được bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững. Kinh nghiệm cho thấy, khi được giao khoán rừng thì người dân bảo vệ rừng tốt hơn vì đất đai, rừng gắn với cuộc sống của họ.

Nghiên cứu PAPI cho thấy, những địa phương như Hưng Yên, Hải Phòng thì chỉ số kiểm soát tham nhũng và trách nhiệm giải trình của chính quyền ở mức khá thấp, điều này có phản ánh phần nào sự hài lòng của người dân nơi đây?

Điều này đặt ra những câu hỏi cho chính quyền địa phương phải suy nghĩ. Chứ không thể xác định một mối quan hệ chặt chẽ với những sự kiện vừa qua.

PAPI nhấn mạnh việc, tỉnh A thì mặt nào người dân hài lòng, mặt nào người dân chưa hài lòng, chứ không nhất thiết tỉnh A phải hơn tỉnh B. Bởi có mặt này hơn nhưng mặt khác kém.

PAPI nói lên cảm nhận, trải nghiệm của người dân. PAPI thường đặt câu hỏi: Ông, bà đã làm việc đó chưa; đã trải qua rồi thì ông, bà thấy thế nào? Người dân đã trải nghiệm chứ không phải họ không liên quan, đứng ngoài nhận xét.

Đó là điều chính quyền Hải Phòng, Hưng Yên cần suy nghĩ về cảm nhận của dân.

Cảm ơn ông!

Hà Nhân
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG