Rò rỉ đập Thủy điện Sông Tranh 2: Dân vẫn lo

Rò rỉ đập Thủy điện Sông Tranh 2: Dân vẫn lo
TP - Tại cuộc họp báo do Bộ Công thương tổ chức chiều qua, mặc dù thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 an toàn song ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam bày tỏ “Nhân dân Quảng Nam, chính quyền Quảng Nam vẫn còn nhiều lo lắng”.

> Nước thấm qua khe nhiệt thủy điện Sông Tranh 2
> Trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư

Quang cảnh cuộc họp báo Ảnh: Hồng Vĩnh
Quang cảnh cuộc họp báo Ảnh: Hồng Vĩnh.

Ông Đinh Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói: Gần 10 ngày qua, là lãnh đạo địa phương, chúng tôi thường xuyên theo dõi thông tin. Tuy nhiên, nhân dân và chính quyền Quảng Nam vẫn còn nhiều lo lắng về an toàn đập.

Việc đóng góp, tiếp thu có trình tự và tổ chức rồi sau đó lấy ý kiến các chuyên gia thuộc hội đồng nhưng trước tiên người nào chịu trách nhiệm thì phải tìm ra phương án xử lý.

“Nhân dân Quảng Nam, chính quyền Quảng Nam vẫn còn nhiều lo lắng, nhất là các việc liên quan vừa qua như động đất kích thích rồi lại có vụ thấm nước qua hạ lưu đập Sông Tranh 2.

Chúng tôi thấy các diễn biến đều có liên quan với nhau. Lo lắng của người dân Quảng Nam là đúng.Chúng tôi mong muốn sớm có một kết luận chính thức bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước để tỉnh tuyên truyền cho người dân hiểu.

Ngoài ra cần xem xét toàn bộ dự án Sông Tranh 2 trong đó có việc động đất kích thích và việc thấm nước. Với tư cách là lãnh đạo địa phương tôi đề nghị có những việc làm như vậy” - Ông Thu nói.

Theo ông Thu, các cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học phải có sự thống nhất về sự cố đập Sông Tranh. Trên phương tiện thông tin đại chúng là chưa có sự thống nhất. Hôm nay ngồi đây, các cơ quan chuyên môn đánh giá như vậy, nhưng ngày mai, các nhà khoa học có thể nói khác.

Làm rõ trách nhiệm cá nhân

Tiền Phong: Theo các chuyên gia, với việc thấm nước này, phải khoan bê tông để lấy mẫu đánh giá mức an toàn và chất lượng đập?

Ông Lê Văn Hùng, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng: Tất nhiên bê tông phải có khuyết tật thì nước mới vào được. Có nhiều dạng khuyết tật có thể xảy ra như: tách do khe nhiệt, do chất lượng bê tông chỗ này chỗ kia. Nhưng không có nghĩa là cứ thấm là phải đi khoan mẫu. Khoan mẫu liên quan đến cường độ. Có trường hợp bê tông bị nứt nhưng cường độ vẫn đảm bảo.

Nếu chỉ thấm lõi thì chưa chắc đã phải lấy mẫu bê tông vì cường độ bê tông vẫn đảm bảo. Câu hỏi đặt ra là công trình có nguy hiểm phải di dời tức thời hay không, thì câu trả lời là không.

Trước tiên phải khẳng định trách nhiệm xử lý sự cố là của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế và nhà thi công. Đầu tiên hãy để các cơ quan này đưa ra các giải pháp ban đầu để khắc phục. Với dạng công trình như đập thủy điện, có ảnh hưởng đến người dân rất lớn nên cơ quan chức năng phải tham gia kiểm tra, giám sát, đánh giá phương án khắc phục.

Trong suốt 7 năm qua, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã định kỳ vào xem, đánh giá có hiện tượng bất thường hay không. Hội đồng cũng có các chuyên gia độc lập để đánh giá.

Tiền Phong: Có ý kiến rò rỉ nước xuất hiện từ tháng 2, do thi công ẩu, Bộ Công Thương và EVN đánh giá thế nào? Có việc ban quản lý giấu sự cố với EVN và Bộ?

Ông Trần Văn Được, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Trước Tết đoàn công tác của EVN vào làm việc thì không có báo cáo về việc nước chảy ra hạ lưu.

Đến tháng 3, khi vào làm việc thì Ban A có báo cáo. Sau khảo sát, nhận thấy việc thấm là không được phép, chúng tôi đã có cuộc họp 3 giờ với tổng thầu, ban A và tư vấn giám sát và tư vấn thiết kế để thống nhất phương án xử lý sơ bộ.

Bản báo cáo này đã báo cáo lên Bộ Công thương, hội đồng nghiệm thu nhà nước. Nếu đúng là nước thấm ra hạ lưu từ tháng 2 thì chúng tôi không nhận được báo cáo.

Tiền Phong: Đến nay đã có đơn vị nào nhận trách nhiệm về việc xảy ra sự cố hay chưa, thưa Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng: Phải khẳng định việc thấm nước từ hồ chứa ra mặt đập là không được phép theo thiết kế của dự án. Hiện nước thoát ra đã được hạn chế tối đa, đã giảm từ 30 lít/s còn 7 lít – 8 lít/s.

Qua kiểm tra tại công trường, ngoài các khe nhiệt thì chưa phát hiện ra các vết nứt khác trên thân cũng như trong các hành lang thoát nước. Có thể khẳng định không có nguy cơ gây ra sự cố nào ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân ở vùng hạ lưu. Công trình chất lượng tốt hay không tốt thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư.

Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu trả lời phỏng vấn báo chí tại buổi họp báo Ảnh: Hồng Vĩnh
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu trả lời phỏng vấn báo chí tại buổi họp báo Ảnh: Hồng Vĩnh.

“Chịu trách nhiệm về tuyên bố đập an toàn”

Tiền Phong: Bộ và EVN khẳng định an toàn nhưng nếu xảy ra sự cố, trách nhiệm cụ thể của các bên sẽ thế nào?

Ông Hoàng Quốc Vượng: Trong giai đoạn này, khi có hiện tượng bất thường xảy ra phải truy cứu xem nguyên nhân vì sao. Từ đó đưa ra giải pháp khắc phục rồi mới làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Với sự cố Sông Tranh 2, dù chưa ảnh hưởng đến độ ổn định của đập nhưng đây là hiện tượng không được phép theo thiết kế nên phải tìm nguyên nhân vì sao. Sẽ làm rõ trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân liên quan.

Hy vọng đến cuối tháng 3 có thể triệt tiêu dòng thấm chảy ra mái đập hạ lưu và nước chỉ chảy vào các hành lang thoát nước. Giai đoạn 2, sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp chống thấm qua thân đập vào các hành lang thoát nước. Việc này mất nhiều thời gian hơn nhưng chắc chắn phải xong trước mùa lũ.

Ngoài ra, phải kiểm tra, đánh giá toàn diện về tình trạng của đập thủy điện Sông Tranh 2 để có giải pháp toàn diện, đảm bảo công trình vận hành theo đúng thiết kế.

Với kết quả kiểm tra đánh giá tại hiện trường, phải khẳng định rằng độ ổn định của đập vẫn ở mức an toàn. Khẳng định chắc chắn sẽ không xảy ra sự cố nào gây nguy hiểm đến đến tài sản, tính mạng của người dân ở hạ lưu. Tất nhiên, khi nói như vậy chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm về tuyên bố của mình.

VOV: Thực tế ở Mỹ đã có trường hợp đập bê tông đầm lăn bị sự cố. Sau sự việc này, Bộ có tiến hành kiểm tra chất lượng toàn bộ các công trình thủy điện hay không?

Ông Hoàng Quốc Vượng: Khi chúng ta tuyên bố đập thủy điện vẫn an toàn điều này không có nghĩa chúng ta chủ quan. Nước thấm vào bê tông về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình, ảnh hưởng đến độ bền của bê tông và làm nới rộng các khe nhiệt gây ảnh hưởng đến độ an toàn của đập.

Với các công trình thủy điện, phải đảm bảo ở mức an toàn cao nhất chứ còn nói phải đảm bảo tuyệt đối thì ngay cả các công trình điện hạt nhân không ai dám bảo phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Nhưng trong mọi trường hợp phải đảm bảo các tiêu chí an toàn cao nhất theo các quy định.

Tuổi trẻ: Hội đồng nghiệm thu nhà nước có dự báo trước được hiện tượng rò nước ở Sông Tranh 2? Đến nay xảy ra hiện tượng rò nước thì trách nhiệm Hội đồng ra sao?

Ông Lê Văn Hùng: Khi kiểm tra toàn bộ công trình, tích nước mới ở giai đoạn 160m, tháng 10-2011, không hề xảy ra hiện tượng thấm nước. Hội đồng, không ai dự báo công trình sẽ thấm nước và không mong muốn xảy ra dù việc thấm có thể xảy ra trong thực tế. Không ai dự báo công trình này sẽ hỏng mà chỉ kiểm tra có đủ điều kiện hay không.

Để phát hiện thấm hay không, chỉ cần một lỗ rò như lỗ kim trên công trình rộng tới 35.000 m2, ai có thể dự báo được. Không ai dự báo được, chỉ khi cho ngập nước mới biết

Tôi xin giải thích chức năng nhiệm vụ của hội đồng ở đây là kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ pháp luật của chủ đầu tư trong quản lý chất lượng công trình thông qua kiểm tra hồ sơ định kỳ.

Còn sau khi tích nước, nếu có vấn đề gì thì vẫn là trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu phải khắc phục sửa chữa. Việc của chúng tôi là kết luận xem có đảm bảo an toàn cho cộng đồng không.

Khẩn cấp hạ mực nước hồ

Theo ông Michel Hồ Tá Khanh, chuyên gia cao cấp Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF), thời điểm hiện nay, hiện tượng thấm chưa đến mức rất nguy hiểm cho người dân ở hạ lưu. Cách xử lý hiện nay không thích hợp và có thể còn gây nguy hiểm cho một đập cao và hồ chứa lớn như vậy.

Quy tắc quan trọng về an toàn của đập trọng lực, đặc biệt là đập bê tông đầm lăn (RCC) là phải chống thấm thật tốt ở mặt thượng lưu và tiêu thoát nước ở hạ lưu.

Khi cố gắng chặn nước trào ra mặt hạ lưu và trám đập bằng epoxy, người ta có thể làm cho hàng loạt khe tiếp giáp nằm ngang của RCC bị đẩy cao lên dẫn đến mất ổn định.

“Theo tôi, công việc này phải dừng ngay tức khắc. Phải quyết định khẩn cấp hạ mức nước hồ để giảm lượng nước trào ra, tiến hành phân tích khẩn trương và nếu có thể thì phủ toàn phần hay một phần mặt thượng lưu bằng màng chống thấm (geomembrane) Carpi, vì dường như đập đang bị thấm theo một số khe và vết nứt.

Phương pháp dùng màng chống thấm này là cần thiết vì RCC đã không được tăng cường chống thấm và một số vết nứt mới có thể xuất hiện trong tương lai” - Ông cho biết.

Rò đập bê tông đầm lăn, trám không dễ

Gần 30 năm trước từng xảy ra sự cố rò rỉ một đập bê tông đầm lăn (BTĐL) đầu tiên ở Hoa Kỳ. Đập có quy mô nhỏ hơn nhiều so với đập thủy điện Sông Tranh 2 của Việt Nam nhưng người ta phải chi hai triệu USD để xử lý ban đầu và, đến nay, lượng nước rò vẫn ở mức gần 10% so với mức rò ban đầu.

Tính đến 2005, toàn thế giới đã xây dựng được trên dưới 300 đập BTĐL với khối lượng tổng cộng khoảng trên 90 triệu m3 BTĐL. Hiện Trung Quốc là quốc gia đang dẫn đầu về số lượng đập BTĐL sau đó là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Tây Ban Nha.

Tại Việt Nam, theo TS Phạm Kim Sơn (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Queensland), có đến 20 đập được xây dựng bằng công nghệ BTĐL.

Willow Creek là đập bê tông đầm lăn đầu tiên của Mỹ đặt tại Willow Creek, một chi lưu của sông Columbia ở bang Oregon. Chiều cao cập khá khiêm tốn, chỉ 49 m, trong khi chiều cao của đập Sông Tranh ở tỉnh Quảng Nam 2 là 100 m. Dung tích chứa nước ở thượng lưu đập Willow Creek chỉ 16 triệu m3 trong khi dung tích ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 là 700 triệu m3.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG