Đập thủy điện Sông Tranh có thể chịu động đất cấp 7

Đập thủy điện Sông Tranh có thể chịu động đất cấp 7
TPO - Đó là nhận định của Trưởng Quản lý dự án thủy điện 3 Trần Văn Hải trong buổi làm việc với Đoàn công tác của các sở, ban, ngành về những vết nứt, chảy nước tại bờ đập sông Tranh (Quảng Nam).

> Quảng Nam muốn mời tư vấn độc lập
> Cần khẩn trương xử lý vết nứt

Đập thủy điện sông Tranh 2 vẫn rỉ nước chảy mạnh ngày 21 - 3
Đập thủy điện sông Tranh 2 vẫn chảy nước ngày 21 - 3.

Chịu được động đất cấp 7 

Sáng 21-3, Đoàn công tác của Sở Công thương, Sở NN&PTNT, Sở Tài Nguyên Môi Trường, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Nam và chính quyền huyện Bắc Trà My, làm việc trực tiếp với Ban Quản lý dự án thủy điện 3, Chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 về những vấn đề liên quan đến các vết nứt, chảy nước tại bờ đập chính. 

Ông Trần Văn Hải – Trưởng Quản lý dự án thủy điện 3 thừa nhận: bờ đập chính thủy điện có vấn đề kỹ thuật chứ không phải sự cố. Hệ thống thu nước thấm bên trong thân đập, van khe nhiệt trong quá trình thi công có thể không hoạt động đúng như thiết kế và xảy ra tình trạng rò rỉ, chảy nước ra bên ngoài.

Ông Hải khẳng định, trước mắt, bờ đập vẫn an toàn, nếu không xử lý kịp thời thì về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình.

Lãnh đạo các sở và phóng viên báo chí đặt câu hỏi, liệu những vết nứt ở bờ đập có ảnh hưởng, liên quan đến quá trình động đất kích thích?

Ông Hải một lần nữa nhắc lại luận chứng cơ sở khoa học đã được cơ quan chuyên môn kiểm chứng, là công trình bờ đập được tính toán đủ chịu đựng động đất cấp 7 (5,9 độ Richter), các đợt động đất kích thích vừa qua không đủ mạnh để ảnh hưởng đến bờ đập.

Đập thủy điện Sông Tranh có thể chịu động đất cấp 7 ảnh 2

Về hướng xử lý khắc phục, theo Ban quản lý Dự án thủy điện 3, sẽ bơm các loại vữa đặc biệt, có hóa chất vào khe nứt, trám chắc các vết nứt, thu nước thấm về khe thu nước thấm ở bên trong.

Việc xử lý cần phải có thời gian nghiên cứu, phân tích kỹ nguyên nhân từ đâu, để đưa ra biện pháp xử lý “đúng bệnh”; tiến hành đồng thời việc xử lý, theo dõi và khắc phục sự cố trong một vài tháng tới.

Đập thủy điện Sông Tranh có thể chịu động đất cấp 7 ảnh 3

Lượng nước rò rất lớn.

Nước vẫn chảy như suối từ thân đập

Tại hiện trường ngày 21 - 3, nước vẫn chảy từ bốn khe nứt. Riêng tại khe nứt thứ hai tính từ phía bờ trái, nước chảy nhiều nhất. Đơn vị thi công đã trám nhét các vết nứt, thu nước về và bắt sáu ống dẫn nước, nhằm phân tán dòng chảy ra thành nhiều hướng, tránh tình trạng nước chảy tập trung.

Một số người dân địa phương tò mò rút một số ống dẫn nước phân tán, khiến vòi nước phun lên cao hơn 2m. Thực trạng này chứng tỏ lượng nước thấm, ngấm trong khối bê tông thân đập rất lớn.

Đập thủy điện Sông Tranh có thể chịu động đất cấp 7 ảnh 4

Những công nhân đang khắc phục sự cố tại thủy điện sông Tranh.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chánh Văn phòng Ban chấp hành Phòng chống Lụt bão tỉnh Quảng Nam cho biết: “Trong các đập thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như A Vương, Đăk Mi 4…, duy nhất chỉ có đập thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra hiện tượng rò rỉ này, nên rất đáng lo ngại!”.

Dự kiến, chiều 21 – 3, Đoàn công tác Cục Kiểm định nhà nước về công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam sẽ chính thức khảo sát, kiểm đinh chất lượng công trình đập thủy điện Sông Tranh 2.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
TPO - Sáng sớm nay (24/12), hầu hết các điểm đo tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đã chuyển sang ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ con người, cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí ở miền Bắc rất đáng lo ngại.