Tháng 4/2011, nhận tin báo từ bạn đọc, phóng viên Tiền Phong vào cuộc thẩm tra và thấy hàng loạt tác phẩm của các tác giả đã được bạn đọc thuộc tên như Dương Bình Nguyên, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Bích Thúy, Hoài Hương, Thanh Hương… bị bà Võ Thị Lệ Thủy - Trưởng ban biên tập tạp chí Nâm Nung cóp lại gần như nguyên văn, đăng trên tạp chí Nâm Nung dưới bút danh Lê Thủy.
Trước đó, một phóng viên Đài PTTH tỉnh Đắk Lắk từng gửi 2 lá thư về Ban Tuyên giáo tỉnh Đắk Nông và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Nông về việc Lê Thủy đạo văn 2 truyện ngắn của Dương Bình Nguyên. Ban Tuyên giáo tỉnh hồi âm bằng công văn, xác nhận truyện ký tên Lê Thủy in sau trong 2 cặp truyện giống hệt nhau này. Còn Chủ tịch Hội VHNT Đắk Nông khi đó (ông Khúc Ngọc Vĩnh) khẳng định đây là... âm mưu bôi nhọ danh dự bà Thủy!
Bản kiểm điểm siêu ngụy biện ngày 24/4/2011 của Lê Thủy như tự châm dầu vào lửa, khiến văn đàn cả nước sục sôi với cách bà ngoan cố giải trình đạo văn “Để bảo vệ cái thánh đường văn chương mà tôi hằng tôn thờ, ngưỡng mộ”; Vì muốn mình “là vật hy sinh để nạn đạo văn không còn có đất sống”; Vì “tò mò muốn biết cách đối nhân xử thế của các nhà văn sau những tác phẩm hết sức nhân văn”; và vì muốn “Hội trung ương quan tâm nhiều hơn nữa đến Hội văn nghệ địa phương!” v.v...
Dù vừa hứa hẹn không bao giờ dám tái phạm, cuối tháng 4/2011 bản thảo tạp chí Nâm Nung vẫn bị Lê Thủy đưa vào 2 truyện ngắn đạo văn của Nguyễn Quang Thiều và Hồ Thị Ngọc Hoài. Xem các số tạp chí Nâm Nung khác, phóng viên phát hiện Lê Thủy còn thuổng cả những công trình nghiên cứu và tác phẩm văn chương khác của Hà Minh Hồng, Hoàng Kim Ngọc, Trần Thị Kim Lan, Giả Bình Ao v.v…
Sau đó, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có ý kiến chính thức với các cấp có thẩm quyền quản lý báo chí của tỉnh Đắk Nông, yêu cầu làm rõ hành vi trắng trợn đạo văn của Lê Thủy và có hình thức xử lý, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo tạp chí Nâm Nung, lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh theo đúng qui định của Ban Bí thư Trung ương trong công tác quản lý báo chí.
Tháng 6/2011, Lê Thủy bị kỷ luật khiển trách, cách chức Trưởng Ban biên tập tạp chí, không được tiếp tục làm công tác biên tập, buộc hoàn trả 2 khoản tiền hỗ trợ sáng tác và các khoản nhuận bút đạo văn cho chính chủ, “treo bút” thời hạn một năm trên tạp chí Nâm Nung, nhưng vẫn được giữ tư cách hội viên để... có cơ hội sửa sai (!).
Không rõ sửa sai thế nào, mà sau vụ kỷ luật, trên mạng internet bỗng xuất hiện nhiều nick ảo mạt sát những người đã phanh phui vụ đạo văn, mà một trong những nạn nhân là tác giả loạt bài “Văn sĩ cầm nhầm” của báo Tiền Phong. Thời gian giúp sự việc trôi dần vào quên lãng.
Bà Thủy tiếp tục được ưu ái cho đi học Cao cấp Chính trị rồi về nhận chức Phó chánh văn phòng, kiêm Chủ tịch Công đoàn cơ sở Hội VHNT tỉnh Đắk Nông, được cấp cả thẻ nhà báo. Mùa hè năm 2015, bà Thủy bạo tay “xén” gần hết 30 ký vải thiều của một bạn văn Bắc Giang nhờ bà đem về tặng anh em văn phòng Hội. Sự việc vỡ lở, chi bộ Đảng của Hội VHNT Đắk Nông phải họp kiểm điểm, ra quyết định khiển trách.
“Ngựa quen đường cũ”
Cuối năm 2016, bà Thủy bị phát hiện đã tự ý nâng điểm cá nhân từ 7 lên 8,5 trong hồ sơ xét Quỹ hỗ trợ sáng tạo, và lại tiếp tục đạo văn. Lần này, tác phẩm bị bà Thủy cầm nhầm là “Tết của một dân đi” của tác giả Bùi Ngọc Linh, bút danh Linh Evil đăng trên báo Tiền Phong và tienphong.vn từ tháng 1/2009. Sau nhiều lần quanh co chối cãi, rốt cục bà Thủy đã phải nhận sai.
Bị cách chức Phó chánh văn phòng Hội, cảnh cáo về Đảng, bà Thủy chống trả bằng cách giả bệnh bỏ việc 1 tháng, phát tán đơn thư vu khống lãnh đạo Hội. Đơn khiếu nại ngày 13/3/2017, bà này viết “Tôi cũng không có ý định ở lại một nơi mang danh nhân văn cao quý, sống cùng những con mang gương mặt người mà lòng dạ còn ác độc hơn loài thú dữ”. Ngày 16/5/2017 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông kết luận bà Thủy sai phạm, tái phạm có chứng cứ rõ ràng, khiếu nại không căn cứ, đề nghị xem xét tư cách nhà báo của bà này.
Sau khi bị Ban Chấp hành Hội VHNT tỉnh Đắk Nông biểu quyết 100% khai trừ ra khỏi Hội, mới đây bà Thủy hồi đáp lệnh thu hồi thẻ nhà báo của Bộ Thông tin và Truyền thông bằng cách tự khai đã mất hết các loại giấy tờ.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Đặng Văn Dung cho biết có lẽ Hội sẽ phải xin trả suất biên chế này của bà Thủy lại cho Sở Nội vụ, bởi bà Thủy vẫn không ngừng loan tin bà bị “đánh tập thể”. Ông Trần Trọng Thắng - Chi hội trưởng Chi hội VHNT huyện Đắk Mil đọc lá đơn đầy tâm trạng hờn oán do bà Thủy đưa tận tay từng thành viên Ban chấp hành Hội, than: Nếu từ năm 2011 vụ Lê Thủy đạo văn được xử lý thỏa đáng, dứt điểm, thì hậu quả đã không tệ hại đến thế này!
Nghe tin Võ Thị Lệ Thủy lại tái phạm đạo văn, nhà thơ Văn Công Hùng (Hội VHNT tỉnh Gia Lai) ngán ngẩm chia sẻ: Vụ đạo văn lần trước, chính mình phê phán cô ấy rất nặng trên blog cá nhân. Thế nhưng 2 lần gặp lại sau đó cô ấy cứ xoắn xuýt tay bắt mặt mừng khiến chính mình phát ngượng.