Bấy lâu không gặp ông trên sân khấu cũng như băng đĩa, cửa hàng chí mà phù Phạm Bằng ở Hàng Giày cũng không thấy mở cửa… Đùng một cái, ông tái xuất trong DVD hài Chôn nhời vừa ra mắt, cùng một số chương trình khác.
Cửa hàng chí mà phù cũng đang chờ chị đầu bếp nghỉ đẻ xong để mở cửa. Trông ông hơi trẻ so với tuổi, chưa kể ăn mặc khá phong phanh trong tiết trời lạnh. Vì thế mà câu hỏi đầu tiên là…
Ông sinh năm 1931 mà lưng vẫn thẳng, giọng sang sảng, làm nghề tốt. Ông có thể chia sẻ bí quyết sống khỏe?
Đơn giản thôi, có gì đâu. Con người ta thường có ba giai đoạn, đoạn thanh niên, đầu trung niên và cuối trung niên. Bắt đầu giai đoạn giữa trung niên là mình phải nghĩ cách đối phó. Chứ đừng để đến giai đoạn thứ ba, bắt đầu suy sụp rồi thì anh không cưỡng được. Hồi tôi sang Mỹ chơi với gia đình, gặp một ông kỹ sư kiêm “thầy lang”.
Ông ấy truyền cho mấy bài tập đối phó với cái già nua, yếu ớt. Cả thảy có 6 bài vận động tay chân, mình mẩy, đầu cổ... không có gì phức tạp lắm, nhưng phải kiên trì, mất công một tí.
Thời trẻ nếu mình không có thì giờ tập thì bước vào tuổi 50 phải điều chỉnh về tập luyện, ăn uống, kể cả về chơi bời. Tất nhiên cũng có những thiệt thòi.
Đôi khi có những cái vung vãi được nhưng mình không dám (cười)… Cái chính mình được sức khỏe, tôi bây giờ vẫn đi xe đạp, xe máy, lái ô tô được.
Khi anh có sức khỏe, sẽ tăng cường cả về suy nghĩ, trình độ, trí nhớ. Ví dụ làm một kịch bản khoảng 5-7 trang đánh máy, ít nhất phải đưa trước cho tôi 1 tuần để nghiên cứu kỹ càng.
Còn nếu anh đưa tôi trước 24h thì vẫn làm được nhưng nhân vật không đạt yêu cầu như mình muốn. Bây giờ tôi thấy các anh em diễn viên làm thế này: Phim nhiều tập, chỗ nào có ông ấy thì ông ấy mới xem kịch bản. Diễn viên khác nói, mình phải có phản ứng chứ. Chỉ đợi ông nói xong đến tôi nói, xem rất hạn chế.
Vừa rồi có cậu đưa cho kịch bản, cũng là hài, nhưng không có đất phát triển. Mà diễn viên cứ rặn ra thì rất dở. Tôi không phải kén, nhưng anh đã có trình độ, tên tuổi nhất định rồi thì phải xem tác phẩm có đất làm hay không. Nhiều tác giả còn trẻ cứ tưởng làm tác phẩm hài rất dễ. Phải có sở trường, vốn sống đồng thời phải có cái duyên trời cho. Anh diễn viên cũng thế.
Có nhiều kinh nghiệm về nghề, ông có dịp truyền lại cho lớp trẻ?
Có chứ. Làm hài thực ra rất khó. Người biết thì bảo người không biết. Mà người không biết thì phải cố gắng khiêm tốn một tí để mà học. Tôi thường xem phim hài của nước ngoài, xem trong khung cảnh đó, đóng như thế nào là sâu. Hài rất khó nhưng tác dụng rất ghê gớm. Mãnh liệt hơn chính luận nhiều. Người ta yêu cuộc sống, hồ hởi với cuộc sống, có thái độ trung thực với cuộc sống là ở tiếng cười.
Gần đây Việt Nam không có phim hài nào quy mô một chút, mà đầu tư quá nhiều vào “tiểu phẩm”. Ông có thấy tiếc cho một thế hệ nghệ sĩ hài?
Rất tiếc. Tôi tin rằng rồi sẽ có. Nhưng nếu chúng ta không làm, sợ nó mai một. Vì bây giờ tôi thấy tinh thần hài ngày càng yếu đi. Đáng nhẽ ngày càng tinh tế hơn lên nhưng mình thì ngày càng mất nghề đi. Tại các cháu sau này không tâm huyết với nghề.
Có cháu vào chỗ này gọi là chờ thời, trong lúc chưa có công việc. Họ bảo, nghệ thuật dễ mà, có tài thì anh đóng vai chính, không có tài thì đóng vai phụ, có gì đâu. Có người mới làm trợ tá, cũng đã hơi huênh huếnh một tí... Có những kịch bản tôi xin đóng nhân vật này và nói anh giả tôi bao nhiêu cũng được, nếu không có tiền giả, tôi cũng nhận.
Cụ thể ông đã đóng vai đó chưa?
Mọi lần hơi đau bụng một tí là tôi đã nghĩ tới ruột thừa, vì tôi rất sợ, cái này quan trọng lắm, mình để chậm là xong phim.
Hôm đó tôi lại không để ý gì cả. Cứ thấy đau bụng, tôi để 1 ngày 1 đêm. Con gái giục đi viện.
11h xuống bệnh viện. Mấy cậu bác sĩ thực tập bảo bác cứ nằm đây để theo dõi. Có người lên bảo có bác Phạm Bằng đang phòng chờ, ông trưởng khoa mới xuống.
Lại nhờ có cái tên, chứ cứ nằm chờ là xong đấy. Bác sĩ vào nắn, bảo đi diễn nhiều quá chứ gì. Úi giùi đau quá! Lại cẩn thận khám lần 2, ấn vào bên phải cái, tôi bảo, úi giùi không thể chịu được đau lắm. Bác sĩ cho lên bàn mổ luôn.
Lúc bấy giờ 12h. Cũng may, số tôi sống. Mổ mất gần tiếng đồng hồ.
NSƯT Phạm Bằng
Rồi chứ. Tất nhiên đạo diễn nói thế thôi chứ không ai không trả tiền. Nhưng không trả tiền cũng được, khi tôi đã mến kịch bản. Nhưng thực ra cũng hiếm lắm. Chính các tác giả viết hài cũng nói viết hài cực kỳ khó. Ăn được đồng tiền của các anh ấy, vã mồ hôi, có khi còn mất cả máu. Mất ăn mất ngủ, thì cũng coi như… mất máu.
Thời gian gần đây không diễn hài, ông làm gì?
Năm qua tôi trải qua hai lần mổ. Cho đến bây giờ bác sĩ bảo tôi vẫn phải nghỉ. Tôi sắp sửa mổ lần nữa. Cái mật đang có vấn đề. Nhưng mình cũng hơi chủ quan tí, thứ hai nữa là ngứa ngáy nghề, đi làm cho vui.
Gần đây khi một số nghệ sĩ cao niên qua đời, dư luận mới đặt vấn đề truy tặng danh hiệu NSƯT, NSND. Ông có nghĩ rằng các nghệ sĩ sân khấu khi về già chưa nhận được sự quan tâm, đãi ngộ đúng mức?
Thực tình mà nói anh đã bỏ công sức khi tuổi trẻ rồi thì khi về nghỉ, anh phải được hưởng một cái bồi dưỡng thích đáng của Nhà nước. Không phải yêu cầu cao quá nhưng đủ để du lịch nay đây mai đó, chứ còn đủ sống thì dễ thôi, cơm ngày hai bữa có gì đâu. Ngoài miếng ăn hằng ngày, phải có món ăn tinh thần cho nó xứng đáng. Hiện nay chưa có cái đó, tự lo thôi.
Đáng lẽ năm 1991 tôi về hưu rồi, lúc tôi 60 hẵng còn trẻ khỏe, còn làm việc tốt. Cuối năm 1998 tôi có mặt trong đoàn Nhà hát Kịch Việt Nam may mắn được đi Mỹ biểu diễn. Tôi được phần thưởng ấy cũng tương đối xứng đáng. Ba tháng đi bốn bang, chín thành phố, vừa diễn, vừa được tiền, chơi bời, giao lưu anh em nghệ sĩ, thỏa mãn.
Xét về huy chương hiện ông đã đủ tiêu chuẩn phong tặng NSND?
Tôi đủ chứ, 2 HCV, 3 HCB. Một diễn viên đạt được tiêu chuẩn đấy cực kỳ khó. Nhiều người bên nhà hát tôi cả đời làm nghề về không chả được gì, thậm chí về trước tuổi.
Có nghĩa là ông nằm trong số đủ tiêu chuẩn NSND nhưng đã bị bỏ quên?
Tôi cũng không đòi hỏi. Hồi tôi phong ưu tú, nhà hát bảo tôi phải làm đơn xin. Tôi không làm. Phong danh hiệu cho người ta mà “hành hạ” người ta ghê quá.
Vậy nhưng ông vẫn được NSƯT?
Tôi nói với Trọng Khôi (giám đốc Nhà hát): “Anh nói thật với Khôi, nếu làm đơn xin thì anh không làm. Với anh, được hay không được, không có vấn đề gì cả. Cái chính là anh có thực lực, được làm việc với Nhà hát, được Nhà hát giáo dục, cho anh cái nghề…”.
Cái kia là nó chỉ là cái khung treo lên tường, nhân dân người ta cũng chả quan tâm lắm. Chỉ có anh em trong nghề hỏi chú được ưu tú, nhân dân chưa.
Ông ấy (NSND Trọng Khôi) để xong cái đợt đấy, đợt sau lại đến nói chuyện, thành ra tôi nể quá… Nếu ông đã có chủ trương phong danh hiệu nghệ sĩ, thì ông phải có một cái ban theo dõi chứ, vở nào ở tất cả các đoàn, phải đi xem hết.