Ngược và thừa

Ngược và thừa
TP - Nhiều từ Hán Việt theo thời gian đã được đổi ngược vị trí âm tiết cho phù hợp với tiếng Việt hiện đại. Thời chống Pháp, quân đội ta được gọi là Vệ quốc quân - đoàn quân bảo vệ đất nước (Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi / Dù có gian nguy nhưng lòng không nề - Phan Huỳnh Điểu).

Vệ quốc quân, về sau nhiều người đã đổi thành quân Vệ quốc, cho hợp với trật tự tiếng Việt.

Thời chống Mỹ, anh bộ đội giải phóng được gọi là anh giải phóng quân, tức là người chiến sĩ của quân đội giải phóng. Nhớ anh Giải phóng quân/Một lòng vì nước vì dân ra đi diệt thù (Nguyễn Thơ). Nhưng ngay trong những năm tháng ấy cũng đã tồn tại cách sử dụng từ ngữ theo trật tự tiếng Việt. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc không dùng cụm từ “giải phóng quân” mà đã đổi thành “quân giải phóng”: Chí trai xung phong, anh quân giải phóng (Gửi anh đi đầu quân).

Cũng thời chiến tranh chống Mỹ, rất phổ biến khái niệm “tinh thần tiến công cách mạng”. Sau có người phản biện, đúng ra phải là tinh thần “cách mạng tiến công”, sao lại tiến công vào cách mạng được.

Rồi một số cơ quan mang những cái tên theo trật tự Hán Việt, một thời dùng mãi, cho đến khi bất chợt nhận ra nên sửa lại. Việt Nam thông tấn xã - cơ quan thông báo truyền phát tin tức của Việt Nam, được sửa thành Thông tấn xã Việt Nam. Nghe đã thuận tai hơn đối với người Việt, mặc dù chữ “thông tấn xã” vẫn là trật tự cũ.

Bộ Ngoại giao có bộ phận quản lý các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài đặt ở Việt Nam. Cơ quan này gọi là Ngoại giao đoàn. Nhiều từ Hán Việt đã được thay đổi trật tự, riêng cơ quan này vẫn giữ lại cách gọi cũ, vẫn là Cục phục vụ Ngoại giao đoàn. Đã không dùng Phục vụ cục mà lại vẫn Ngoại giao đoàn, chỉ trong một cái tên cơ quan mà đã thấy sự không đồng bộ về ngôn ngữ.

Có những khái niệm dùng nhiều thành quen, người ta cũng chẳng thấy cần thiết phải sửa. Rất nhiều người đã viết “trưng cầu ý dân”, nhưng cũng nhiều không kém là những người dùng trật tự Hán Việt: “trưng cầu dân ý”.

Người lạc đường trên sa mạc, gần như đã kiệt sức vì khát, thì chợt nhìn thấy một trận mưa to ngay trước mặt, hoặc một ốc đảo xanh tươi có giếng nước. Hình ảnh ấy thực ra không có thật, nó là ảo ảnh. Nói cho đúng trật tự tiếng Việt thì phải gọi là ảnh ảo. Nhưng ngôn ngữ đã được đám đông sử dụng và thành quen.

Chữ kịch tính cũng vậy. Đúng trật tự thì phải nói là tính kịch. Nhưng người ta cũng đã quen và hiểu được chữ kịch tính trong câu này chẳng hạn: Đấy là một biến cố đầy kịch tính.

Để nói số lượng nhiều, người ta dùng chữ đa số, phần lớn, phần nhiều... Ấy thế, loanh quanh thế nào chuyển sang một từ trái khoáy: đa phần. Rồi còn đi quá xa, đến mức: “đại đa phần” (dùng không chỉ một lần, trong cuốn Thành phố với những người quen xa lạ, Thanh
Thủy dịch).

Quản lý phí: chi phí cho việc tổ chức và điều khiển hoạt động. Học phí: chi phí cho việc học hành. Vẫn biết đấy là trật tự từ kiểu cũ, nhưng ít có ai thấy cần đổi thành phí quản lý hoặc là chi phí học tập. Dù là cần cải tiến thì cũng không bao giờ mang tính cực đoan dẫn đến lẩm cẩm.

Tuy nhiên, có những trường hợp đảo ngược trật tự thì sẽ có nghĩa ngược lại. Điểm yếu thì ai cũng rõ. Nhưng yếu điểm lại có nghĩa là điểm trọng yếu, điểm quan trọng.

Nếu hiểu nghĩa Hán Việt, người viết sẽ tránh được việc dùng thừa chữ và dùng sai. Tránh, cho đến khi nào không thể tránh được nữa, bởi đi trong tiếng Việt giống như đi trong mê lộ đầy ổ gà Hán Việt. Chỉ là cố gắng ở mức cao nhất mà thôi (bản thân chữ “mê lộ” cũng là một ổ gà như thế).

Tránh, nếu không sẽ vô tình dùng chữ như thế này, dùng thừa mà tự thấy rất thuận: trong nội bộ, trong nội thành, ngoài ngoại thành... Hoặc sẽ không chính xác nên gây cười như trong câu này: Bắt kẻ trộm tài sản, tấn công thiếu phụ 50 tuổi (thiếu phụ là người phụ nữ trẻ. Viết như thế này là gián tiếp khen bà ta trẻ hơn tuổi, hoặc chế giễu).

Còn phổ biến hơn, đến mức chẳng ai muốn bắt bẻ ai nữa: ngày chủ nhật, cây cổ thụ, áo hoàng bào, núi Thái Sơn, sông Hồng Hà...

MỚI - NÓNG