Những người yêu văn học Việt Nam hẳn vẫn ấn tượng trước lời ngợi ca của Diêm Liên Khoa - một trong những tác gia quan trọng nhất của văn học Trung Quốc đương đại - với tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh: “Tầm cao của văn học chiến tranh phương Đông”. Trong bài viết của mình Diêm Liên Khoa cũng tỏ lòng biết ơn tới người đã mang “Nỗi buồn chiến tranh” sang Trung Quốc. Đó là PGS.TS Hạ Lộ của Đại học Bắc Kinh.
Bậc thầy của chủ nghĩa siêu hiện thực Diêm Liên Khoa viết: “Thầm nghĩ, nếu không có những người như Hạ Lộ kiên trì gian khổ dịch thuật, nhận thức về văn học Việt Nam của chúng ta hôm nay vẫn còn dừng lại ở những ký ức đông cứng và cũ kỹ của mấy mươi năm trước, vẫn tưởng rằng trên thế gian này, ngoài mấy cây bút lông và cả rừng bút sắt của hai nền phú hộ là Trung Quốc và phương Tây kia ra, thế giới không còn bút nghiên giấy mực gì nữa”.
Tranh của Nguyễn Văn Hổ.
Phó giáo sư Hạ Lộ nhớ lại: “Mùa đông năm 2006, Viện Văn học Việt Nam sang thăm Bắc Kinh và đến trường tôi (Đại học Bắc Kinh- pv) trao đổi với Viện Văn học Thế giới và Viện Văn học So sánh của trường ĐH Bắc Kinh. Tôi có tham gia tọa đàm và làm phiên dịch. Khi đó, học giả Phạm Xuân Nguyên giới thiệu “Nỗi buồn chiến tranh” là tiểu thuyết tiêu biểu của Việt Nam. Mùa hè năm 2009, tôi dẫn học sinh sang trường ĐHKHXH &NV (ĐH QGHN) thực tập. Giảng viên khoa văn Nguyễn Thu Hiền tặng tôi hai bản: “Thân phận tình yêu” và “Nỗi buồn chiến tranh” (Nỗi buồn chiến tranh xuất bản lần đầu năm 1987 mang tên Thân phận tình yêu- pv). Tôi bắt đầu dịch và giảng dạy “Nỗi buồn chiến tranh”. Tôi kinh ngạc thi pháp và cũng yêu ngôn ngữ nghệ thuật của tiểu thuyết này. Tôi biết người Việt phần lớn đều yêu hòa bình. Tôi dịch xong rồi gửi cho các bạn nhà văn Trung Quốc xem, họ đều không ngờ Việt Nam có tác phẩm ưu tú như vậy”. Ngoài Bảo Ninh, Hạ Lộ còn dịch nhiều tác phẩm của các nhà văn Việt Nam hiện đại khác: Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Tư, Y Ban, Nguyễn Nhật Ánh, Ý Lan, Nguyễn Quang Thiều, Hữu Thỉnh, Xuân Quỳnh, Chế Lan Viên, Vũ Trọng Phụng… Đặc biệt, mảng văn học cổ được Hạ Lộ dành sự quan tâm đặc biệt. Những tên tuổi lớn của văn học trung đại đều được chị giới thiệu ở Trung Quốc: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm…
Khoa tiếng Việt đầu tiên
Hạ Lộ hiện là Phó giáo sư của khoa tiếng Đông Nam Á, Học viện Ngoại ngữ của Trường Đại học Bắc Kinh. Chị dạy tiếng Việt và văn học Việt Nam. Hạ Lộ học tiếng Việt và văn học Việt rất tình cờ nhưng như chị nói “có tính tất yếu”. Khi tốt nghiệp trung học, Hạ Lộ chọn chuyên ngành tiếng Anh, đồng thời chọn tiếng Việt là chuyên ngành thứ hai, bởi thầy hiệu trưởng khuyên học trò: Học thêm một tiếng nước ngoài ít người biết sẽ dễ tìm công việc hơn. Nhưng khi bước chân vào giảng đường đại học, trường lại chọn chị sang chuyên ngành tiếng Việt. Đó là năm 1993, Hạ Lộ không quên bước ngoặt này. Việc học tiếng Việt với bất kỳ người nước ngoài nào cũng không dễ dàng. Vì tiếng Việt có nhiều dấu nên việc phát âm chuẩn tiếng Việt khá vất vả, cộng thêm phần ngữ pháp vốn được người Việt tự xếp hạng: “Phong ba bão táp”… Thời gian đầu Hạ Lộ học tiếng Việt một cách miễn cưỡng, bởi tiếng Việt không phải nguyện vọng hàng đầu của chị khi đăng ký vào Trường Đại học Bắc Kinh. Phải đến năm thứ ba, có dịp xem những video về đất nước và con người Việt Nam, tiếp xúc với một số lưu học sinh ở Bắc Kinh, Hạ Lộ bắt đầu một tình yêu lớn, chị đặc biệt khâm phục người phụ nữ Việt Nam. Từ đây, chị quyết định chọn tiếng Việt làm sự nghiệp cuộc đời. Tốt nghiệp đại học, dù được đặc cách học thẳng lên chương trình thạc sỹ, Hạ Lộ đã bảo lưu kết quả để đến Đại học Vân Nam tham gia xây dựng và giảng dạy khoa tiếng Việt đầu tiên tại đây. Sau một năm làm việc ở Đại học Vân Nam, Hạ Lộ trở về Đại học Bắc Kinh, bắt đầu chương trình thạc sỹ chuyên ngành văn học ngôn ngữ Việt Nam.
Nhiều “trái táo to” chưa được để mắt
Cũng trong bài ca ngợi tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh”, Diêm Liên Khoa viết: “Bất luận cây lê nhà hàng xóm có kết trái to đến mấy cũng chỉ là trái táo nhỏ tầm thường”, ám chỉ văn học Việt chưa được đánh giá xứng đáng ở Trung Quốc. Phó giáo sư Hạ Lộ lý giải nguyên nhân của thực trạng này: “Tình hình này có nhiều yếu tố, trong đó có nguyên nhân là tương đối ít người nghiên cứu văn học Việt Nam tại Trung Quốc và ít tác phẩm được giới thiệu sang Trung Quốc”. Theo Hạ Lộ, văn học Việt còn nhiều “trái táo to” mà những nhà nghiên cứu và độc giả Trung Quốc chưa có cơ hội “nếm”, thí dụ tiêu biểu là tác phẩm văn học trung đại: Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ).
Hạ Lộ đã sang Việt Nam khoảng 20 lần, chị đã từng vài lần đi xuyên Việt. Chị quen thân với nhiều nhà văn Việt Nam”
Văn học Việt Nam vào Trung Quốc hiện nay đang gặp nhiều khó khăn từ thực tế. Hạ Lộ cho biết: “Ngày càng nhiều người Trung Quốc quan tâm và muốn tìm hiểu Việt Nam nhưng vì ở Trung Quốc dạy tiếng Việt không phổ biến và những cuốn sách liên quan đến Việt Nam tương đối ít, cho nên đa số người Trung Quốc không hiểu Việt Nam lắm”.
Tuy nhiên, chị cũng thấy tình hình đã sáng sủa hơn theo thời gian: “So với 20 năm trước đây, bây giờ ngày càng đông người Trung Quốc sang Việt Nam du lịch, buôn bán, người Trung Quốc ngày càng hiểu thêm về văn hóa và lịch sử Việt Nam”. Văn học Việt đã được dịch và giới thiệu tại Trung Quốc từ khá lâu, đặc biệt trong những năm 60,70 của thế kỷ 20, nhiều truyện ngắn, thơ và tiểu thuyết Việt được dịch sang Trung Quốc.
Nhưng Hạ Lộ thấy một thực tế không vui: “Mấy chục năm nay, vì hai nước đều coi trọng phát triển kinh tế, tác phẩm văn học không bán chạy như trước, cho nên dịch văn học Việt ít, chủ yếu dịch các tác phẩm Âu Mỹ. Tôi cảm thấy khó khăn nhất là khâu xuất bản, bây giờ xuất bản sách đã thị trường hóa, cái gì bán chạy người ta mới in”.
Việc dạy văn học Việt ở Trung Quốc càng ngày càng sáng sủa: “Bây giờ ngày càng nhiều trường đại học ở Trung Quốc dạy văn học Việt Nam, riêng Đại học Bắc Kinh đã dạy văn học Việt Nam mấy chục năm rồi. Nhiều người Trung Quốc biết Việt Nam có “Truyện Kiều”. Họ đánh giá cao “Truyện Kiều”, “Chinh phụ ngâm”. Tôi dạy văn học Việt đã trên mười năm, các học sinh coi môn văn học Việt Nam là môn yêu thích và khó quên nhất. Tôi thích thảo luận với các học sinh và cũng học được từ các bạn trẻ rất nhiều. Mấy năm gần đây tôi còn được mời đến trường khác làm thuyết trình về văn học Việt”.
Hạ Lộ (thứ 3 từ trái sang) trong buổi thuyết trình về Truyện Kiều tại Tiệp Khắc.
Hạ Lộ đến Việt Nam lần đầu tiên vào mùa thu năm 2000. Chuyến đi kéo dài tám tháng, với tư cách học giả nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Hà Nội, đã để lại trong chị những ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam. Năm 2008, bằng đề tài “Sự truyền bá và ảnh hưởng của tiểu thuyết triều đại Minh Thanh tại Việt Nam”, Hạ Lộ đã xuất sắc nhận học vị tiến sỹ chuyên ngành văn học cổ đại tại Đại học Bắc Kinh. Đến nay, Hạ Lộ đã sang Việt Nam khoảng 20 lần, chị đã từng vài lần đi xuyên Việt. Hạ Lộ quen thân với nhiều nhà văn Việt Nam. Chị đặc biệt thích cách sử dụng đại từ nhân xưng trong tiếng Việt, mặc dù đây là một thách thức với người dịch, bởi rất khó chuyển ngữ. Nhưng đại từ nhân xưng trong tiếng Việt độc đáo ở chỗ, thể hiện khéo léo mối quan hệ giữa người với người.
Tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh đã được Hạ Lộ hoàn thành công tác biên dịch, đang trong giai đoạn xuất bản, sẽ ra mắt độc giả Trung Quốc một sớm một chiều. Chị khoe, vừa mới đăng bản dịch truyện ngắn “Chảy đi sông ơi” của Nguyễn Huy Thiệp và hai truyện khác, cùng với 14 bài thơ Việt Nam. Tháng 1/2017, Hạ Lộ trở lại Việt Nam sẽ mang theo những công trình vừa hoàn thành này. Công việc chuyển tải văn học Việt của chị luôn tất bật và phải di chuyển nhiều. Ngay khi sau cuộc trò chuyện với tôi, chị đã từ Bắc Kinh sang Quảng Đông làm hai thuyết trình về tiểu thuyết lịch sử Hoàng Lê Nhất Thống Chí và Nỗi buồn chiến tranh.
Chưa thích mắm tôm
Hạ Lộ rất thích các món ăn Việt Nam riêng món mắm tôm thì chị… chưa thích lắm: “Còn nước mắm và các gia vị khác đều thích”. Thỉnh thoảng chị có làm một vài món ăn Việt quen thuộc chiêu đãi gia đình, như phở và nem. Hạ Lộ từng đưa cả nhà sang Việt Nam chơi. Chị cũng dạy tiếng Việt cho con gái và bạn bè của chị: “Nhưng họ hay quên vì phát âm tiếng Việt hơi khó, ở Bắc Kinh lại thiếu môi trường nói tiếng Việt”.
Hạ Lộ có nhiều bạn ở Việt Nam: “Người Việt Nam mến khách, lạc quan, chịu khó và chịu đựng gian khổ, thông minh, nhiệt tình, coi trọng tình nghĩa, xưng hô ở Việt Nam rất thân mật…”. Còn đất nước Việt Nam miền nào cũng hay nhưng Hạ Lộ thích nhất Hà Nội. Mong muốn ngày càng nhiều người Trung Quốc hiểu hơn về con người Việt Nam nên chị đang ấp ủ cuốn sách có tựa đề: “Những người Việt tuyệt vời trong mắt tôi”. Đó là những người Việt đáng yêu, đáng mến chị đã có dịp quen thân hoặc là những gương mặt lướt qua, để lại ấn tượng khó quên với chị.