Phóng viên 'Tiền Phong' và những điểm nóng miền Nam

Phóng viên 'Tiền Phong' và những điểm nóng miền Nam
TP - Ngoài bốn phóng viên Nguyễn Phong Sơn (nhà văn Sơn Tùng), Nguyễn Tâm Tâm, Lưu Quang Huyền và Phạm Hậu được cử đi B2 năm 1968, các phóng viên báo Tiền Phong còn có mặt ở một số điểm ở miền Nam, có người đi làm những nhiệm vụ đặc biệt.

> Tất cả là phóng viên chiến trường
> Tiên phong trong thể loại điều tra chống tiêu cực
> Những diễn đàn dấu ấn
> Tiền Phong những ngày ở chiến khu Việt Bắc

Tòa soạn báo Tiền Phong làm báo trong ngày 30/4/1975, từ trái sang phải: Phó Tổng Biên tập Đỗ Cao Đáng, Tổng Biên tập Đinh Văn Nam, Thư ký Mai Cát (người đang đánh máy), họa sỹ Tôn Đức Lượng, nhà báo Đặng Thạc Ảnh: Mai Nam
Tòa soạn báo Tiền Phong làm báo trong ngày 30/4/1975, từ trái sang phải: Phó Tổng Biên tập Đỗ Cao Đáng, Tổng Biên tập Đinh Văn Nam, Thư ký Mai Cát (người đang đánh máy), họa sỹ Tôn Đức Lượng, nhà báo Đặng Thạc Ảnh: Mai Nam.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, các phóng viên Tiền Phong Nguyễn Phương Nam và Kim Khang được giao nhiệm vụ rất đặc biệt là vào trại Davis ở Tân Sơn Nhất. Nguyễn Phương Nam làm sĩ quan báo chí của phái đoàn quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam với quân hàm thiếu tá. Trong suốt hơn năm liền ở trại Davis, gần như mỗi thứ bảy ông lại phụ trách cuộc họp báo để công bố thông tin và quan điểm của ta cho khoảng 50 - 70 nhà báo của non 30 cơ quan báo chí, hãng thông tấn, trong đó có những đại gia truyền thông thế giới. Phóng viên Kim Khang làm nhiệm vụ tương tự như vậy cho phái đoàn Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nhà báo, nhà thơ Phan Cung Việt của báo Tiền Phong cũng là một trong những phóng viên có mặt ở nhiều chiến trường trọng điểm, khốc liệt. Năm 1972, cuộc tổng tấn công chiến lược diễn ra, Quảng Trị trở thành chiến trường ác liệt nhất với trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ. Chính trong những ngày ác liệt đó, phóng viên Phan Cung Việt, trở thành nhà báo đầu tiên của miền Bắc có mặt tại điểm nóng chiến sự này.

Năm ngày sau khi thành cổ Quảng Trị được giải phóng, Phan Cung Việt lên đường đi vào vùng này. Nhà báo Phan Cung Việt theo đường biển vượt tuyến vào một xã của huyện Triệu Phong. Từ đó, vượt sông Thạch Hãn vào thành cổ Quảng Trị. Nhờ vậy, ba kỳ phóng sự về một vùng mới giải phóng, nơi có một lớp thanh niên vừa vùng dậy làm chủ, gánh vác nhiệm vụ nặng nề với một tinh thần trách nhiệm cao đã được in trên Tiền Phong, phản ánh không khí nóng hổi, sôi động, ác liệt của những ngày khói lửa.

Trong ngày đất nước toàn thắng (mùa xuân 1975)

Cuộc Tổng tấn công và Nổi dậy mùa xuân năm 1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đánh dấu thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trường kỳ 20 năm của dân tộc ta. Trong thời khắc hào hùng ấy, phóng viên Tiền Phong đã kịp thời có mặt, phản ánh khí thế hào hùng, sôi động của ngày thống nhất hai miền.

Những trang viết nóng hổi ngày đại thắng
Những trang viết nóng hổi ngày đại thắng.

Mùa xuân năm 1975, một đoàn phóng viên Tiền Phong đi vào miền Nam theo bước chân đoàn quân giải phóng. Các PV Hữu Thanh, Hồ Xuân Sơn (tổ trưởng), Đoàn Hồng Tâm vào đến Nha Trang thì tắc, phải nhờ một xe tư nhân chở lên Đà Lạt, rồi từ đó đi xuống Sài Gòn qua đường Đà Lạt - Dầu Giây. Tổ phóng viên đã qua Xuân Lộc nơi vừa diễn ra cuộc quyết chiến.

Thời điểm đó, trong số bốn phóng viên đi B từ năm 1968, Phạm Hậu là người duy nhất còn lại ở Sài Gòn. Ông nhớ lại: “Càng về cuối tháng 4/1975, tình hình chiến trường có nhiều tiến triển tốt. Cùng với một số cán bộ T.Ư Đoàn, tôi nhận được lệnh về Sài Gòn. Chúng tôi tập hợp ở Thanh An, Củ Chi. Sau đó hành quân liên tục trong khoảng một tuần lễ hướng về Sài Gòn”. Đúng 15h30 ngày 30/4/1975, đoàn của phóng viên Phạm Hậu đã có mặt tại Sài Gòn và tiếp quản Dinh quận trưởng quận 3. Vừa tiến vào Sài Gòn, phóng viên Phạm Hậu và một số anh em làm báo khác bắt tay chuẩn bị để ra lại tờ báo Thanh Niên.

Trong những giờ phút lịch sử này, cán bộ, phóng viên báo Tiền Phong cũng tích cực tham gia vào công tác tòa soạn để có một số báo ý nghĩa chào mừng ngày đất nước thống nhất. Âm hưởng của chiến thắng còn được Tiền Phong tường thuật trên nhiều số báo sau đó.

Ngay sau thắng lợi của chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng (từ mùng 5-29/3/1975), báo Tiền Phong đã cử một số phóng viên như phóng viên ảnh Mai Nam, phóng viên Hồ Xuân Sơn, phóng viên Hồng Tâm, phóng viên Kim Nguyên đã được cử vào Huế - Đà Nẵng để đưa tin về âm hưởng chiến thắng, ghi nhận tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của đồng bào, đặc biệt là thế hệ trẻ sau ngày giải phóng.

Nhờ đó, số báo ra ngày 29/4/1975 của Tiền Phong có nhiều bài viết nóng hổi tính thời sự như “Huế, Đà Nẵng - Tuổi trẻ hôm nay” của nhà báo Hồ Xuân Sơn, phóng sự ảnh “Tuổi trẻ Đà Nẵng trong cuộc sống mới” của phóng viên ảnh Hồng Tâm.

Ngày 30/4/1975, Sài Gòn được giải phóng, báo Tiền Phong đã cử ngay một nhóm phóng viên vào Sài Gòn để ghi nhận không khí ngày đất nước độc lập, thống nhất gồm Phan Cung Việt, Hồ Xuân Sơn, Thanh Hữu… Nhờ đó liên tiếp trên các số báo Tiền Phong có nhiều bài viết ý nghĩa về sự kiện trọng đại của dân tộc.

Số báo Tiền Phong ra ngày 6/5/1975 đã giật dòng tít trên trang nhất “Mừng Việt Nam đại thắng” cùng hình ảnh nữ tự vệ Nguyễn Trung Kiên, 18 tuổi hướng dẫn xe tăng quân giải phóng chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Trong số báo có nhiều bài ca ngợi chiến thắng như “Sài Gòn - Những ngày đầu giải phóng”, “Có niềm vui nào bằng niềm vui đại thắng”, “Sống và chiến đấu trong lòng Sài Gòn”….

Tại tòa soạn báo Tiền Phong, không khí tác nghiệp ngày đất nước thống nhất sôi động và khẩn trương. Ngày 30/4/1975, nhận được tin giải phóng Sài Gòn qua đài phát thanh, đồng chí Mai Cát, nhân viên đánh máy của báo Tiền Phong tức tốc đến tòa soạn. Thông tin đến bất ngờ khiến cho văn phòng không kịp mở cửa phòng đánh máy. Đồng chí Mai Cát đã đánh máy qua khung cửa sổ để kịp dòng thông tin thời sự.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Các nhà hoạt động biểu tình tại hội nghị khí hậu COP29 ở Azerbaijan ngày 23/11. (Ảnh: AP)
Nhiều nước bất bình với quỹ khí hậu 300 tỷ USD
TPO - Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc vừa thông qua một thỏa thuận cung cấp ít nhất 300 tỷ USD hằng năm cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại và giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với sự tàn phá của thiên tai do nhiệt độ toàn cầu nóng lên.