> Nguyễn Ngọc Tư: 'Mình thơm nắng thì khỏi cần nước hoa'
> Buồn đến bao giờ?
Cuộc chơi trên sa mạc giấy này là chủ ý của người viết hay người thiết kế trình bày? Nhớ, hình như Nguyễn Ngọc Tư từng trả lời phỏng vấn, rằng hình thức chỉ là váy áo, “mình thơm nắng thì khỏi phải nước hoa”. Nhưng vẫn nhặt được không ít câu thơ giỏi nén. Như trong bài có cái tít xuất thần “Mùa sậy chín”: “Bông sậy nắm tay từng bông sậy/ níu thành chùm thành bầy/ dìu dắt xuôi mùa luân lạc”.
Mấy năm trước, ở ta có chàng trai trẻ xuất bản cuốn sách dày 300 trang, nhưng toàn bộ chữ nghĩa chỉ gói trong cái tên sách: “Cuốn sách cuộc đời” ở trang bìa, còn phía sau để trắng toàn bộ. Với hàm ý bạn hãy viết tiếp cuộc đời của bạn ! Một dạo nó thuộc tốp bán chạy nhất. Nhưng không rõ có còn những lần xuất bản tiếp theo?
Truyện trong lòng bàn tay của Y. Kawabata (nhà văn đầu tiên của Nhật Bản nhận giải Nobel) mở ra dòng văn chương Tân cảm xúc- hồi đầu thế kỷ 20, nhiều truyện chỉ có mấy dòng. Nhưng cả trăm năm trôi qua, tư tưởng, cảm xúc cứ duềnh doàng, miên man, biết bao thế hệ vẫn không thể lấp đầy.
Nhà văn Đà Linh vừa ra đi, để lại một câu thật thần kỳ: “Chỉ một ngòi bút mà gói mở hư vô”. Câu ấy, không chỉ rút ruột sau một đời viết, mà còn là chiêm nghiệm của một người làm sách, thẩm sách bậc thầy. Độ không của lối viết, hay “những khoảng trống không xác định” mà nhà văn để lại trong tác phẩm hoàn toàn không phải do “sơ ý sinh ra” hay là một cuộc chơi hình thức. Hư vô thì rất sẵn, nhưng muốn “gói mở” được, nhà văn phải biết “cộng sinh với những khoảng trống” bằng tài năng, nước mắt, thậm chí cả máu.
Trên nền im lặng tinh khôi.
Như những câu thơ sau, trích trong tập thơ “Cộng sinh với những khoảng trống” của Thi Hoàng: “Chiếc lọ cổ rất lâu mới cất tiếng thở dài/ Tưởng nhả ra chiếc đinh khoảng không lút trong cuống họng/ Để than thở với những bình cổ khác/ Nhưng những chiếc bình kia đã vỡ lâu rồi/ Thế là vẫn cũ nguyên những lời than thở/ Lại bắt đầu một im lặng mới tinh”.