> Khánh thành 3 nhà văn hóa thôn
> Vì sao phố cổ Đồng Văn đòi trả di tích?
570 nhà văn hóa cộng đồng, gần 60 tỷ, bây giờ dùng làm điểm hẹn thu tiền điện, nước, trâu bò nghỉ dưới gầm sàn. Kinh hãi!
Trong số nhiều bộ phim được thực hiện dịp 1.000 năm Thăng Long, ít nhất 3 bộ phim có “số phận” lắt lay nhất là “Thái sư Trần Thủ Độ”, “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” và “Huyền sử thiên đô”. Trong đó, “Huyền sử thiên đô” đặt mục tiêu ban đầu sản xuất 40 tập, nhưng được 20 tập thì cho phát sóng. Đến nay, không ai nói gì về kế hoạch sản xuất các tập tiếp theo. Phim “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” chờ đợi mãi không được phát sóng. Đơn vị sản xuất đã “oải”, tự động viên rằng bộ phim 100 tỷ của mình sẽ là bài học nhớ đời cho giới sản xuất phim tư nhân. Có phải đây là câu chuyện tiêu biểu của phong trào ăn theo đại lễ nghìn năm hay còn gì khác?
Rất nhiều bảo tàng đã cho quán bia, hàng ăn xâm nhập, trung tâm triển lãm thành nơi ăn cưới, đỗ xe. Chúng được mô tả như là những hình ảnh sinh động của xã hội hóa?! Có lẽ, nên sáp nhập hoặc giải tán những địa điểm văn hóa không hiệu quả, trả lại đất cho nhà nước, nhằm phục vụ những mục đích cao hơn? Ở Mỹ, nhà hát opera New York đã nộp đơn xin phá sản và ngừng biểu diễn sau 70 năm hoạt động, vì áp lực khủng hoảng kinh tế và tình trạng thu không đủ chi. Nên chăng, ta cũng học theo để “trảm” bớt những địa điểm treo đầu văn (hóa), bán hàng ăn?
Đành rằng, nhiều công trình văn hóa đã được xã hội hóa hoặc đầu tư từ ngân sách địa phương. Nhưng, vốn nào chẳng là vốn, là mồ hôi nước mắt? Và chúng đã bị tiêu pha quá phí phạm. Cứ như thế, ai/nơi nào dám đầu tư, dám hưởng ứng xã hội hóa
văn hóa?