Ca nhạc 'về' theo mùa

Ca nhạc 'về' theo mùa
TP - Thu về trên phố là chương trình theo kiểu thời vụ điển hình cho sân khấu ca nhạc thủ đô. Chương trình hội đủ các tên tuổi quen thuộc với giá vé khá mềm.

> Nguyễn Ánh 9 từ giã sân khấu ca nhạc
> Những “đứa con hư” của làng

Thu về trên phố diễn ra vào những ngày điển hình thu của Hà Nội. Chương trình lựa chọn bài hát của Trịnh Công Sơn và Đoàn Chuẩn. Thành phần nghệ sĩ cũng có tính an toàn cao: Ánh Tuyết, Hồng Nhung và Mỹ Linh, ban nhạc Anh Em. Chất lượng tổng thể chương trình không tệ, cũng không đến mức đặc sắc.

Nhạc mục, “nhân mục” tương đối cũ, nhưng chắc vẫn hiệu quả thì nhà tổ chức mới dám đầu tư. Mấy hàng ghế đầu chủ yếu người đứng tuổi. Họ ngồi trong bầu không khí hoài cổ êm đềm, lại nghe ca sĩ kể các giai thoại gắn với các bóng hồng đi qua cuộc đời nhạc sĩ.

Chuyện của Ánh Tuyết về bài Vĩnh biệt. Đoàn Chuẩn thì mặc định là đa tình rồi nhưng có giai đoạn ông mặn nồng quá mức cho phép với một người tài sắc. Phu nhân nhạc sĩ đâm lo nên một hôm ăn vận lịch sự đến nhà cô kia nói: “Thôi em đã yêu anh Chuẩn thì yêu nốt ba con của anh ấy. Chị sẵn sàng ra đi”. Từ đó trở đi, nhạc sĩ không tài nào diện kiến được người đẹp. Ông đau khổ về viết bài Vĩnh biệt sai người đem tới tặng cô kia. Cô xem qua liền xé luôn bản nhạc và nói: “Không ai được hát bài hát này cho đến khi tôi chết!”. Sau khi khẳng định người phụ nữ đó vẫn đang sống ở Hà Nội này, Ánh Tuyết liền hát Vĩnh biệt hay còn gọi là Bài ca bị xé.

Đoàn Đính, con trai Đoàn Chuẩn có câu chuyện mang màu sắc liêu trai về cây đàn hạ uy cầm anh chơi trong bài Vĩnh biệt. Nó vốn là cây đàn của bố anh, tuổi thọ chừng 70 năm. Gần đây, sau khi mang nó ra sửa sang, anh không còn muốn chơi cây đàn nào khác. Vì âm thanh của cây đàn cũ rất hay và đặc biệt, độ vang khác thường. Anh dự đoán rằng bố mình đã nhập vào đàn hoặc cũng có thể là vào… người chơi đàn(!)

Bệnh quên lời không còn của riêng ai. Hồng Nhung mở màn đã hát lộn Tình nghệ sĩ của Đoàn Chuẩn. Đoạn đầu đáng lẽ là: “Đây khách ly hương mấy thu vàng ấm…”, thì chị thay bằng đoạn hai: “Theo gió tha hương bay về miền xưa…”. Nhưng trên thực tế, chị hát là: Đê..ơ theo gió tha hương…” (chắc định hát “Đây gió tha hương”). Sau đêm diễn, diva phân trần với vẻ mặt chán nản rằng vì anh Đoàn Đính mang đến lời gốc có vài chỗ khác biệt nên chị phải cho người in ra để vào chỗ của chiếc loa kiểm tra. Có 3 tờ giấy thì lại xếp sai thứ tự, nên chị bị bất ngờ khi nhìn vào.

Mỹ Linh kêu gọi khán giả hát cùng đoạn: “Í a, í à…” bài Ở trọ. Khán giả lười không hát theo, chị nói đại ý: “Đấy nhé, có mấy chứ í a mà quý vị còn không thuộc, nói gì ca sĩ phải hát cả bài…”. Một câu đùa không mấy đậm đà lắm, như để chữa ngượng cho một việc mà bản thân biết là không phải. Khán giả trả tiền để nghe ca sĩ hát. Hát thế nào thôi thì tùy tâm ca sĩ vậy.

Căn bệnh quên lời của ca sĩ từ lác đác nay thành phổ biến. Cũng là biểu hiện “suy đồi” của đời sống âm nhạc vậy. Từ này nguyên của Hồ Hoài Anh. Trong bài trả lời phỏng vấn gần đây anh nói: “Một đứa trẻ bây giờ thấy ca sĩ đứng trên sân khấu hát phô, hát hỏng hay làm một hành động kỳ quặc, có thể nó sẽ cho là chuyện rất bình thường, không giống mình ngày xưa: Trời ơi, sao người ta lại có thể làm như thế! Đấy chính là biểu hiện suy đồi...”. Một số ca sĩ có quá nhiều show hơn đa số đồng nghiệp khiến họ không kịp đầu tư đúng mức vào tiết mục, dễ dẫn đến hát “khoán”. Ngay Hồng Nhung sau khi mở hàng bằng Tình nghệ sĩ đã phải đi hát cho chương trình khác, cuối giờ mới về hát nốt phần nhạc Trịnh.

Điểm nhấn của Thu về trên phố là Trần Mạnh Tuấn và Bùi Công Duy. Trần Mạnh Tuấn gần đây tiết lộ anh từng bệnh nặng tưởng không qua khỏi, phải thay thận, chính âm nhạc đã cứu sống anh. Không biết có phải vì trải qua hoàn cảnh ngặt nghèo mà anh thổi như lần cuối cùng được thổi. Anh khiến Bùi Công Duy cũng thăng hoa theo trong song tấu Hạ trắng.

Gần đây báo chí xới lên cuộc tranh luận vòng vo về nhạc sến. Có bao giờ loại nhạc được mệnh danh là sang nhưng do được ưu ái khai thác quá nhiều đến mức trở thành sến?!
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG