> Liên hoan kịch Lưu Quang Vũ: 10 vở diễn tại ba rạp
> 'Hồn Trương Ba da hàng thịt' ở dạng thể nghiệm
“Đi xem kịch về phải có nhân vật để người ta nhớ…”
“Hai nhăm, ba mươi năm đã trôi qua mà khán giả và người làm nghề vẫn nhớ đến tác phẩm của Lưu Quang Vũ, muốn gặp lại nhân vật của anh. Mừng quá đi chứ! Còn buồn thứ nhất là vì, các tác giả khác ở đâu?” - Nhà phê bình Ngô Thảo phát biểu.
“Buồn nữa là cái cách mà người ta làm lại Lưu Quang Vũ. Vẫn ở dạng thô sơ, nguyên liệu mà thiếu bàn tay tinh chế của ngày hôm nay.
Đương thời, kịch Lưu Quang Vũ có thể vừa là nguyên liệu vừa là sản phẩm. Bây giờ làm lại thì dứt khoát nó chỉ là nguyên liệu thôi và để có sản phẩm anh phải làm mới, tân trang, bao bì, chất lượng chứ không chỉ bán vật liệu thô như thế này. Mấy chục năm, khán giả đã thay đổi rất nhiều nhưng sân khấu vẫn vậy. Rất đáng phải suy nghĩ.
“Ông Huy Cận viết rất đúng tâm trạng cậu thanh niên nhà quê khi gánh xiếc qua làng: “Gánh xiếc đi qua chỉ một lần/Bây giờ có lẽ đã chia tan/Và nàng cưỡi ngựa đâu rồi nhỉ?Ngơ ngác chàng trai tự hỏi thầm. Cả gánh xiếc đi qua nhưng có khi chỉ mơ về cô nàng cưỡi ngựa thôi. Nghệ thuật là phải như thế, khiến người ta quyến luyến, tơ tưởng. Đằng này ra khỏi rạp là quên sạch”. Nhà phê bình Ngô Thảo |
Xem Thu Huyền đóng Ngọc Hân công chúa tôi cũng vừa vui vừa buồn. Huyền là diễn viên kỳ cựu, diễn tròn vai, hát cũng hay nhưng lý ra phải có lớp diễn viên trẻ hơn đảm nhận những vai như thế. Khi lấy Nguyễn Huệ, Ngọc Hân chưa đến 20 tuổi, cô ấy cất tiếng nói là cả một nền văn hóa cất tiếng nói. Một tư tưởng lớn nằm trong một thể hình trẻ trung thì sức hấp dẫn và tính thuyết phục cao hơn là người quá già dặn từng trải. Nhìn công chúa đã quá bầm dập lại nói những điều sâu sắc thì quá bình thường. Tiếng nói nghe lại đanh.
Trong nghệ thuật, tinh hoa là quan trọng lắm. Người ta mơ đến nghệ thuật là mơ thứ không thể quên được. Đi xem kịch về phải có nhân vật để nhớ nhung, yêu mến. Thanh niên thì quyến luyến tơ tưởng, trằn trọc ước ao giá mình quen được cô diễn viên này cô diễn viên kia… Chứ đi xem Ông không phải bố tôi về thấy không có ai không có chỗ nào để lưu luyến”.
“Chỉ kịch bản là không tệ”
Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ khai mạc tối 9/9 trong tiết thu thuận lợi. Khán giả nêm chặt rạp Công Nhân, Đại Nam, đứng dọc lối đi. Nhiều người cho biết bao lâu nay không hề có khái niệm về hai rạp này cho đến tận hôm nay (phần vì hai rạp trải qua thời gian dài xây mới, hiện tại cơ ngơi rất khang trang).
Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái - một trong bảy vị giám khảo, thẳng thắn nhận xét vở Ông không phải bố tôi của Nhà hát Kịch Hà Nội- tiết mục được chọn khai mạc Liên hoan: “Chỉ kịch bản là không tệ”.
Theo Tiến sĩ Thái: “Đạo diễn xử lý sân khấu không tốt. Trễ nải, lặp đi lặp lại về thời gian. Về không gian thì tưởng như phá cách song rất đơn điệu. Cốt lõi thông điệp của Lưu Quang Vũ không được thể hiện đầy đủ qua những điểm nhấn của việc tổ chức xung đột”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Thái đánh giá Ngọc Hân công chúa là vở diễn “rất hay”- “chèo đậm màu lịch sử và lại thêm một phẩm chất của tuồng cổ là chất bi hùng”.
NSƯT Thu Hà (Bà tỷ phú về thăm quê, Người mẹ trước vành móng ngựa…) cũng cho rằng thiết kế sân khấu vở khai mạc “quá đơn giản, diễn viên không biết bám vào đâu để diễn”. Và “Kịch bản đặt những vấn đề xã hội to tát nhưng câu chuyện ngày càng chỉ xoay quanh mười mấy mét vuông tranh chấp. Các nhân vật đang mâu thuẫn gay gắt tự nhiên lại ôm chầm lấy nhau vào phút cuối, coi như mâu thuẫn đã giải quyết xong! Nếu ngày xưa vở này từng kết thúc như vậy thì đến nay làm mới nó cũng phải dựng khác đi”.