Nghệ nhân chờ nghị định?

Nghệ nhân chờ nghị định?
TP - Nghị định xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú tạm thời bị lùi sau hơn chục năm chờ đợi. Dù có lý do chính đáng, nhưng một lần nữa điều này khiến không ít người nản lòng.

> Danh hiệu nghệ nhân: Bàn lần ba vẫn chưa thông
> Thay đổi ủy viên Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ nhân

Lại hoãn

Thông tin Bộ VHTT&DL lùi thời gian trình Nghị định xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) khiến dư luận xôn xao. Thông tư về xét tặng, sau được nâng cấp thành Nghị định này mất cả chục năm thai nghén. Theo dự kiến Bộ VHTT&DL trình Chính phủ cuối tháng 6, nhưng lại tạm hoãn.

“Dự thảo sửa đổi Luật Thi đua khen thưởng đang chờ Quốc hội phê duyệt vào tháng 12. Cho nên Chính phủ có văn bản yêu cầu các bộ ngành tạm dừng dự thảo Nghị định tôn vinh, phong tặng danh hiệu”, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng quản lý di sản phi vật thể, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) giải thích, tại tọa đàm 10 năm thực hiện công ước bảo vệ văn hóa phi vật thể, hôm qua 24/7.

Bà Dung phân trần, không phải Cục và Bộ bây giờ mới nghĩ tới chính sách cho nghệ nhân. Một trong những khó khăn khi xây dựng thông tư là phải có căn cứ pháp lý. Luật thi đua khen thưởng chỉ áp dụng đối với nghệ nhân thuộc nghề thủ công truyền thống, do Bộ Công Thương quản lý. Nghệ nhân thuộc các lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể “bị gạt ra ngoài lề”. Sau quá trình dài xin ý kiến, cuối cùng Chính phủ cũng đồng ý để Bộ soạn thảo Nghị định về xét tặng NNND, NNƯT.

Nhiều người lo ngại, nghệ nhân lại tiếp tục mòn mỏi chờ đợi, sau khi Quốc hội bàn thảo, phê duyệt dự thảo Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi. “Thực tế, Nghị định soạn thảo đã được Bộ Tư pháp thẩm định dựa trên Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi. Khi xây dựng Nghị định, chúng tôi tham khảo nội dung đó”, bà Dung chia sẻ bên lề.

Khuyến khích tôn vinh ở địa phương?

“Bảo vệ văn hóa phi vật thể xét cho cùng là bảo vệ con người mang di sản văn hóa đó”, GS. Ngô Đức Thịnh một lần nữa đặt vấn đề tại tọa đàm. GS. Tô Ngọc Thanh cũng không ít lần xót xa: Nghệ nhân cao tuổi ra đi lúc nào không hay, nên Hội Văn nghệ Dân gian có sáng kiến phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Nhưng chỉ dừng ở tôn vinh, Hội không có kinh phí hỗ trợ.

Bắc Ninh cũng tiên phong để nghệ nhân kịp hưởng đãi ngộ khi còn sống. “Sở VHTT&DL Bắc Ninh ban hành Quy chế phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân ca Quan họ Bắc Ninh, phong tặng danh hiệu đợt 1 cho 41 nghệ nhân có công lao trong bảo tồn và truyền dạy”, ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Sở phát biểu.

Theo đó, nghệ nhân được cấp bằng của UBND tỉnh, kèm số tiền 5 triệu đồng, được hưởng đãi ngộ hằng tháng bằng mức lương tối thiểu, hưởng bảo hiểm y tế, chế độ mai táng như cán bộ, viên chức nhà nước. UBND tỉnh cũng phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Dân ca Quan họ Bắc Ninh và Ca trù giai đoạn 2011-2020” kinh phí gần 70 tỷ đồng từ ngân sách.

Bắc Ninh và Phú Thọ là hai trong số ít tỉnh chủ động có chính sách đãi ngộ nghệ nhân, còn nhiều tỉnh khác cứ chờ chính sách, cho rằng vướng Luật Thi đua khen thưởng? “Tôn vinh cấp Nhà nước đối với NNND, NNƯT mới phải chờ Nghị định ban hành. Nhưng về cơ bản, luật quy định địa phương có trách nhiệm bảo tồn văn hóa phi vật thể tại địa phương. Cho nên Bộ khuyến khích các tỉnh linh hoạt trong tôn vinh nghệ nhân ở địa phương, miễn sao tuân thủ pháp luật và chính sách tài chính. Đối với nghệ nhân, có chính sách càng sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu”, đại diện Cục Di sản nói.

“Xây dựng hồ sơ di sản đệ trình UNESCO cũng là một cách cống hiến cho nhân loại. Việc đó làm thay đổi hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế. Có danh hiệu cũng là một cách thức tỉnh lương tâm, nhận thức của người dân. Còn chuyện tổ chức lễ đón danh hiệu to quá, tốn kém lại là chuyện khác”, PGS.TS Đặng Văn Bài phát biểu, trước ý kiến trái chiều về việc hằng năm Việt Nam đều đặn xây dựng, đệ trình hồ sơ lên UNESCO.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chậm trễ thi công trạm dừng nghỉ cao tốc, Bộ trưởng Giao thông chỉ đạo 'nóng'
Chậm trễ thi công trạm dừng nghỉ cao tốc, Bộ trưởng Giao thông chỉ đạo 'nóng'
TPO - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh yêu cầu giám đốc các ban quản lý dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng về tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ và chất lượng các dự án. Bộ GTVT sẽ xem xét và xử lý trách nhiệm các chủ thể tham gia dự án nếu có không hoàn thành nhiệm vụ.