Giải Cống hiến: Tham vọng tiến ra hải ngoại

Giải Cống hiến: Tham vọng tiến ra hải ngoại
TP - Sau nhiều mùa đề cử xem ra khá quanh quẩn bằng đấy khuôn mặt, bằng đấy phong cách, giải thưởng Cống hiến đang tính cách thu hút các nghệ sĩ người Việt ở hải ngoại.

> Tận dụng nhà báo khi cần?
> Phạm Thu Hà: Chọn con đường chưa chắc có hoa hồng

Giải thưởng Cống hiến luôn khó dự đoán bởi đặc thù vùng miền. Ngoài việc gu âm nhạc của khán giả cũng như nhà báo hai miền Nam- Bắc tương đối khác nhau, thì một số chương trình chỉ diễn ra ở một thành phố.

Thế cho nên buổi bình chọn trực tuyến chiều 17/4 mới có chuyện nhà báo trong Nam kể về chương trình Giai điệu trẻ tại TPHCM mà họ đã xem, còn ngoài Bắc chia sẻ với đồng nghiệp về Luala Concert tại Hà Nội.

Riêng việc có chung xuất phát điểm ý tưởng cũng khiến cho hai chương trình này khó có thể bật lên trong hạng mục Chương trình của năm. Cả hai đều chung mục tiêu đại chúng hóa nhạc hàn lâm, thính phòng. Khác biệt là ở động cơ tổ chức.

Nếu Luala là chương trình làm thương hiệu thì Giai điệu trẻ do UBND TPHCM và Thành Đoàn phối hợp cùng Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP tổ chức. Hai ứng cử viên còn lại nằm ở hai mảng khá xa nhau: pop và rock, đều được đặt tên bằng tiếng Anh In the Spotlight và Rockstorm.

Rockstorm lâu năm hơn, có quy mô tổ chức lớn, toàn bộ tiền vé dùng cho mục đích từ thiện. Đây cũng là chương trình làm thương hiệu của Mobifone. In the Spotlight không phải treo logo của ai khác ngoài nhà tổ chức: Công ty Mỹ Thanh.

Nhưng chương trình này xét cho cùng cũng là cách để Mỹ Thanh làm thương hiệu, từ đó nhận được những thương vụ lớn. Điều mà In the Spotlight làm được là chương trình đã góp phần làm cân bằng cán cân thị trường- nghệ thuật.

Trong khi đa phần chương trình ca nhạc ở Hà Nội được tổ chức theo thị hiếu đại trà với cách làm tiết kiệm, In the Spoplight thành điểm sáng bởi sự chỉn chu, tập trung hết mức cho nghệ thuật.

Cống hiến năm nay bổ sung hai hạng mục mới: Bài hát của năm và Nghệ sĩ mới của năm. Đây là hai hạng mục tương đối dễ bầu. Trong khi không phải nhà báo nào cũng theo dõi hết được các chương trình, các hoạt động, sản phẩm của nghệ sĩ thì việc thẩm thấu một ca khúc khá dễ dàng.

Nhưng lại không dễ để tìm ra bài hát của năm nay vì không có ứng viên nào bứt hẳn lên cho. Chiếc khăn piêu độc đáo thật nhưng vẫn bắt nguồn từ dân ca- một giá trị trường tồn không thể lấy thước “năm” ra để đo.

Bài hát của năm ngoài việc hay ra còn phải khẳng định được sức lan tỏa trong năm. Nhật ký của mẹ không được thể hiện bởi một ngôi sao quá hot, chính vì thế mà hiệu ứng của riêng bài hát cũng rõ hơn.

Tìm được cách diễn đạt nhẹ nhàng và không cũ trong đề tài muôn thuở, Nhật ký của mẹ trở thành một hiện tượng cảm xúc. So với các đối thủ còn lại, Nhật ký của mẹ chắc hẳn là bài được nhiều người (từ ca sĩ đến dân thường) hát lại nhất.

Nghệ sĩ mới của năm là hạng mục có nhiều lựa chọn, sau một năm được mùa ca sĩ trẻ trưởng thành từ các cuộc thi. Lọt vào đề cử có Nguyễn Đình Thanh Tâm, Hương Tràm và Thái Trinh.

Trong số này, Thanh Tâm bộc lộ rõ cá tính nghệ thuật, đã ra được sản phẩm (album và video). Giọng hát, nội lực và cả tuổi trẻ của Hương Tràm lại khiến cho những người yêu nhạc kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng.

BTC Cống hiến dự tính mở rộng phạm vi giải thưởng ra nước ngoài, tận dụng nguồn lực từ nghệ sĩ người Việt ở hải ngoại. Nói tới nhạc hải ngoại, người ta thường nghĩ đến nhạc xưa, nhạc “sến”…

Thực ra còn có các nghệ sĩ từ lâu đã vươn ra khỏi cộng đồng người Việt: Nguyên Lê, Bạch Yến, Hương Thanh, Võ Vân Ánh… Điểm đáng lưu ý là họ không quên ứng dụng tinh hoa của nhạc dân tộc để làm nên chân dung quốc tế của mình.

Sự có mặt của những nhân vật như thế có khả năng không chỉ làm sang cho giải thưởng mà còn thúc đẩy sự sáng tạo của các nghệ sĩ trong nước- vốn hay quẩn quanh với nhạc pop.

Lễ trao giải Cống hiến lần thứ 8 sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV6 và VTV4 vào 20h ngày 24/4 tại Nhà hát Hòa Bình, TPHCM. Chương trình có sự tham gia biểu diễn của Mỹ Linh, Tùng Dương, Hiền Thục, Nguyễn Đình Thanh Tâm, Hương Tràm, Phạm Thu Hà…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG