Hồi ký của một nữ danh ca vang danh với 'Xa khơi'
> Xuân Quỳnh - Những nghịch lý của tình yêu và số phận
> Anh Thơ - làm mới mình
Bà là danh ca một thời, đi ra từ máu lửa hai cuộc trường chinh cứu nước, tên tuổi gắn với những bài ca mang khát vọng thống nhất đất nước, với số phận dân tộc và cả tình riêng đau đớn...
Xa khơi
Đó là tên một bài hát về khát vọng thống nhất non sông của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ được nữ danh ca đặt cho hồi ký của mình (*). Đời ca sĩ của bà gắn với ca khúc ấy.
“Thật thú vị vì biển là quê tôi đứng bên bờ Bắc nhìn về bờ Nam còn thấy ngọn thông làng Mai Xá của tôi. Nơi ấy có nhà tôi, bà con ruột thịt của tôi đã mười lăm năm xa cách, nhớ thương... Xót xa thay trong buổi chiều êm ả ấy, “Con chuồn con nục còn gọi bạn đường khơi” thì còn biết bao trái tim khao khát yên vui hạnh phúc trên đất nước Việt Nam phải xa cách chia ly... “Biển dập dìu, biển chung tình. Biển nói lên lời thương nhớ biển ơi...”.
Tim tôi thổn thức, tiếng hát tôi vút lên với sự dạt dào của tâm hồn, tình thương nhớ nhiều năm tích tụ và sức mạnh của tuổi thanh xuân...”.
Viết vậy có lẽ bà đã khéo giấu cảm xúc của mình. Bởi những năm tháng hát trên Đài TNVN, gửi tấm lòng về Nam ấy, bà đã hát không chỉ với tiếng hát của một nữ danh ca, mà còn với tất cả sự nhớ thương xa cách của những người tình xa cách..., điều đó làm cho giọng hát Tân Nhân với Câu hò bên bờ Hiền Lương và Xa khơi gây xúc động mạnh đến như vậy.
Với năm chục trang hồi ký, tuy ít ỏi, nhưng Tân Nhân đã gửi trọn tấm lòng mình, từ tình cảm cách mạng trong sáng vô tư của cô nữ sinh Đồng Khánh đến tình yêu Tổ quốc, tình cảm với người cha- một doanh gia yêu nước, những kỷ niệm đẹp thời làm điệp viên thành Huế...
Có lẽ bà đã cố không khơi gợi nhiều về mối tình đầu mà do hoàn cảnh, thời gian cùng không gian xa cách làm cho ngang trái, chỉ ba trang sách, cùng với bản nhạc Xuân chết trong lòng tôi của người tình Hoàng Thi Thơ viết tặng cô nữ sinh Huỳnh Thúc Kháng Trương Thị Tân Nhân -tưởng rằng đã hy sinh khi chạy giặc tại miền Tây xứ Nghệ.
Bà viết: “Tiếng đồn ra trường Huỳnh Thúc Kháng là Tân Nhân bị chết trong trận càn. Một anh bạn học cùng quê - nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã “truy điệu” tôi bằng bài hát Xuân chết trong lòng tôi. Cả trường đã hát, đã khóc, đã xót thương tôi ra đi quá trẻ...
Xuân ơi Xuân
Chim xa đàn
Xuân ơi Xuân
Ngờ đâu Xuân chết trong lòng tôi
Trong tiếng đàn...
Nhưng tôi đâu đã chết. Trên chuyến đò dọc Châu Phong - Bạch Ngọc, một bạn gái lớp dưới đã hát Xuân chết trong lòng tôi cho tôi nghe với lời bình: Phải có một tình yêu sâu sắc lắm, anh ấy mới như điên như dại khi hay tin chị chết, đã lang thang cầm roi quất ngang quất dọc trên các nẻo đường Bạch Ngọc mà khóc và viết lên bài ca ấy”.
Xót xa thay đó là một mối tình bất hạnh. Trong chuyến xe về thăm nhà vùng tạm chiếm, anh bị kẹt và từ đó chúng tôi mãi mãi cách chia. Cháu Hoài là kết quả của mối tình mà chúng tôi tưởng rằng rất đẹp đẽ ấy, hơn nửa cuộc đời mới biết mặt cha và bao năm sống trên đất Bắc mang trong lý lịch mình là con của một nhạc sĩ ngụy...”.
Viết chỉ thế thôi, nhưng tôi biết bà đã phải dồn nén cảm xúc bao nhiêu năm, bà gánh chịu bi kịch khi đất nước bị phân chia hai miền Nam - Bắc. Họ đã chôn chặt tình cảm ấy trong tim để đi tiếp con đường của mỗi người cho đến ngày tóc bạc da mồi... Nhưng cũng rất thành thật và công bằng, với người chồng - nhà báo, nhà văn Lê Khánh Căn, bà đã dành cho ông những trang viết với tình cảm sâu nặng và nồng ấm nhất...
Bất ngờ với thơ Tân Nhân
Từng chơi với Lê Khánh Hoài - Châu La Việt - Triệu Phong, người con cả của bà với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ rất lâu, nhưng đọc hồi ký Tân Nhân, bất ngờ khi biết bà làm thơ, rất nhiều. Gần trăm trang thơ, một giọng thơ nữ thiết tha mộc mạc nhưng chân thành..., bà ngầm gửi vào đó những thẳm sâu chuyện đời, chuyện mình. Khi là những nhớ nhung:
Sao nhớ ai mà đêm đêm thao thức
Gió nhớ ai mà rong ruổi kiếm tìm
Sóng nhớ bờ dào dạt triền miên
Người nhớ người lòng khắc khoải không yên
(Nhớ)
Khi triết lý nhân sinh thăm thẳm:
Xoay tít vòng quanh ván nhảy đời
Thiệt hơn khôn dại đà một kiếp
Cát bụi rồi về cát bụi thôi...
(Ván nhảy đời)
Và lời cuối cho một cuộc tình
Một bất ngờ khác, dù ít nhắc đến mối tình đầu đau khổ nhưng bất ngờ phần cuối cuốn sách bà dành cho nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ một nghĩa cử đầy ân tình. Lời cuối ấy chính là Đơn đề nghị của bà gửi Bộ Văn hóa & Thông tin đề ngày 2/1/2007, trước lúc bà đi xa vào cõi Xa khơi: Lá đơn viết: “Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từng là một người đồng chí đồng đội của tôi trong kháng chiến chống Pháp. Sau đó vì hoàn cảnh riêng nhạc sĩ về quê hương sau đó vào Sài Gòn làm một nhạc sĩ tự do...
Mặc dù không cùng trong hàng ngũ chúng ta, nhưng nhạc sĩ không có bất cứ một hành động nào chống phá cách mạng kháng chiến, chống phá đất nước. Kể cả sau năm 1975 nhạc sĩ có về thăm đất nước, gặp lại nhiều bạn bè cũ như nhạc sĩ Trần Hoàn, nhạc sĩ Trọng Bằng... rất thân thiết...
Trong sáng tác âm nhạc dù trong môi trường nào, những sáng tác của nhạc sĩ cũng đều mang âm hưởng dân ca, đậm màu sắc dân gian, nội dung ngợi ca tình yêu đất nước quê hương. Chính vì những điều này, nhiều bài hát của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ được đông đảo công chúng yêu mến truyền tụng. Điều đáng tiếc vì những lý do lịch sử, các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ chưa được phép sử dụng trong nền nghệ thuật của chúng ta mặc dù nó vẫn được lan truyền trong dân gian.
Với tôi nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là mối tình đầu. Dù trong hoàn cảnh nào tôi cũng thấy mình có trách nhiệm với tình cảm này. Đặc biệt trên cương vị là một ca sĩ, tôi luôn trân trọng các tác phẩm âm nhạc hay và đẹp, ngợi ca quê hương đất nước, trong đó có một số tác phẩm của anh... Với tôi giờ đây đã gần đất xa trời. Còn điều gì chưa yên thì đấy là những tác phẩm của tình yêu đầu của mình chưa được phép sử dụng rộng rãi...”.
Bây giờ người nữ danh ca ấy về Xa khơi đã 5 năm. Lời cuối cùng cho người tình đầu, một đề nghị chính đáng của bà đã được cơ quan chức năng xem xét, chấp nhận... Sau khi bà mất, từ năm 2008, nhiều ca khúc vượt thời gian của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã được cấp phép phổ biến và biểu diễn tại Việt Nam...
(*) Hồi ký Xa khơi của NSƯT Tân Nhân, NXB Lao động - 2013
Theo Tân Linh
Thể thao & Văn hóa