Cuộc đối thoại của hai cá tính

Cuộc đối thoại của hai cá tính
TP - Cuộc gặp gỡ lần đầu hồi cuối tháng 9-2010 tại thành phố Vancouver, Canada là cơ duyên mở đầu cho cuộc đối thoại giữa nhà thơ Trần Nhuận Minh và nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Đức Tùng và dẫn đến sự ra đời của cuốn sách mang tên Đối thoại văn chương.

Cuốn sách này là cuộc trò chuyện xoay quanh các vấn đề văn học và cũng là cuộc đối thoại của hai cá tính khác biệt.

Tham dự tọa đàm Đối thoại văn chương (từ trái qua): Giáo sư Chu Hảo, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ Trần Nhuận Minh, nhà thơ Nguyễn Đức Tùng
Tham dự tọa đàm Đối thoại văn chương (từ trái qua): Giáo sư Chu Hảo, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ Trần Nhuận Minh, nhà thơ Nguyễn Đức Tùng.

Ngày 1-3, tại Trung tâm văn hóa Pháp, nhân ra mắt cuốn Đối thoại văn chương, nhà thơ Trần Nhuận Minh và nhà thơ Nguyễn Đức Tùng đã cùng tham dự một tọa đàm với sự góp mặt của nhiều nhà thơ, nhà phê bình Việt Nam khác. Buổi tọa đàm mang đến cho độc giả cái nhìn sâu sắc hơn về tác phẩm và về hai nhà thơ.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh sinh năm 1944 là nhà thơ thuộc thế hệ thơ chống Mỹ và thơ đổi mới sau năm 1975. Theo Nguyễn Đức Tùng, ông là “một người rất tốt đẹp, tử tế, rất căn bản mà đất nước Việt Nam còn giữ lại được”.

Khác với ông, Nguyễn Đức Tùng, trẻ hơn (sinh năm 1956 tại Việt Nam) nhưng lại có thời gian sống ở Canada nhiều hơn, tư tưởng mới mẻ hơn.

Sự khác biệt ấy phần nào dẫn đến những khác biệt trong cảm xúc, trong quan niệm về thơ, về văn học của hai ông.

Con đường thơ ca của Trần Nhuận Minh hầu như luôn gắn với những bước đi của dân tộc, phục vụ cho lợi ích của nước nhà và thơ ca Việt Nam. Còn thơ của Nguyễn Đức Tùng luôn cuốn hút người đọc bởi một sự lạ.

Khác biệt đó tưởng như sẽ trở thành rào cản cho việc hòa hợp của hai cá tính nhưng trên thực tế đó lại là nguyên cớ khiến cho mỗi nhà thơ cảm thấy bị thu hút bởi người còn lại.

256 câu hỏi gửi từ Vancouver, Canada tới Hạ Long, Việt Nam liên tục trong suốt 9 tháng xoay quanh các vấn đề về nghề làm thơ và các vấn đề “bếp núc” văn chương dường như cũng chính là cuộc đối thoại của một “người ngoại vi” mong muốn tìm hiểu đời sống của “người trung tâm”, là sự kết nối của các tác giả Việt Nam ở trong nước với bên ngoài.

Trong Đối thoại văn chương, Nguyễn Đức Tùng đóng vai trò là người hỏi và Trần Nhuận Minh trong vai người trả lời.

Hơn 800 trang sách không phải một công trình nghiên cứu khoa học văn chương hoàn chỉnh, cũng không phải một tập sách phê bình văn học mà bao hàm nhiều khía cạnh, cả bình luận, nghiên cứu, bút ký, v.v… Nội dung cuốn sách tập trung chủ yếu ở ba phần mà theo nhà thơ Trần Nhuận Minh, chúng vừa tách rời nhau vừa liên quan không lỏng lẻo lắm với nhau.

Đó là bàn về nghề với các đặc trưng thể loại, cảm nhận mới về một số giá trị văn chương cũ, và một số hồi ức văn học liên quan đến một số bài thơ cụ thể.

Đối thoại về văn chương là việc đã từng có trước đây, nhưng việc xuất hiện một cuộc đối thoại dài hơi với sự làm việc nghiêm túc đầy kinh nghiệm giữa hai tác giả Việt Nam, một người trong nước và một người ở nước ngoài thì theo nhiều nhà thơ, đây có thể coi là lần đầu tiên.

Đó là bước khởi đầu mở ra nhiều cuộc đối thoại tiếp theo sau này, bởi Đối thoại văn chương không chỉ mang ý nghĩa về mặt văn học mà còn “mang đến một thông điệp có tính tư tưởng khác, có những vấn đề của thời đại” - theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng, hiện cấp trên phải “ôm” và làm thay việc cho cấp dưới quá nhiều, dẫn đến thừa cấp dưới mà thiếu cấp trên. Do đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là cách tốt nhất để giảm sự vụ cho cấp trên, để cấp trên lo việc lớn, còn cấp dưới chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, tránh phải ngồi chờ xin ý kiến, khiến cơ hội trôi đi.