> Tủi phận đời nghệ sĩ tỉnh lẻ
Nhiều nghệ sỹ gắn bó với Ngã Bảy, với nhiệm vụ “tuyên truyền chính trị” từ thế kỷ trước đến nay. Bây giờ, tìm lại còn gặp họ cùng gia đình sống trong dãy nhà cấp bốn có 15 phòng, xây dựng năm 2001, bên đường Lê Hồng Phong (TX Ngã Bảy). Dưới ánh hào quang một thời, thường trực trong họ là nỗi lo hiện tại và tương lai.
Sống nhờ vỉa hè
Dãy nhà cấp bốn cũ kỹ, gọi là nhà công vụ. Căn hộ công vụ của nghệ nhân đờn ca tài tử Nguyễn Hoàng Thắm 56 tuổi, diện tích 40m2, ẩm thấp, tối mù, chỉ có cái bàn thờ mẹ vợ và cái ti vi cũ là… sáng sủa. Nhà có hai cái giường, một cái để ngủ và một cái để khách đến chơi thì ngồi.
Vợ ông Thắm là bà Huỳnh Hồng Hạnh đang loay hoay bán hột vịt lộn và chạy tới lui bán cà phê trên vỉa hè đường Lê Hồng Phong.
Bà kể, có cô con gái 22 tuổi, đang học trung cấp dược ở Cần Thơ. “Gia đình tôi sống nhờ vỉa hè này”, bà Hạnh nói “ngày nắng bán được hơn trăm ngàn, còn ngày mưa thì chẳng buôn bán được gì. Cuộc sống chỉ đắp đổi qua ngày”.
Ông Nguyễn Hoàng Thắm là hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN, công tác tại Trung tâm Văn hóa TX Ngã Bảy. Đam mê đờn ca tài tử từ nhỏ, gắn bó cuộc đời với phong trào nghệ thuật địa phương đã gần 40 năm.
Bộ sưu tập huy chương, giấy khen, bằng khen của ông đếm hơn trăm cái. Ngoài chơi đờn ca tài tử, ông còn sáng tác ca cổ, viết kịch bản, dựng chương trình văn nghệ quần chúng cho các đội thông tin lưu động “phục vụ nhiệm vụ chính trị”.
Trước đây, ông ở trong đoàn văn công Quân khu 9, sau chuyển về gắn bó với Trung tâm Văn hóa huyện Phụng Hiệp, rồi TX Ngã Bảy.
Lương hợp đồng hiện nay, một tháng 1,5 triệu đồng. “Đời nghệ sĩ ở huyện bạc bẽo lắm, vì đam mê nên ráng làm thôi”, ông Thắm than thở. Ông kể, chế độ đãi ngộ của nhà nước chẳng đâu vào đâu, không đủ xăng xe đi lại. Những khi đi phục vụ xa, được bồi dưỡng một vài trăm nghìn đồng mới có để góp gạo với vợ.
Cuộc sống cả nhà nhờ vào vợ ông bám vỉa hè từ mờ sáng đến nửa đêm. “Thấy vợ làm quần quật lo miếng cơm cho gia đình, tôi thật thẹn lòng nên quyết không cho con gái nối nghiệp ca hát”, ông Thắm nói.
Nhiều gia đình nghệ sỹ khác cũng phải bám vỉa hè để sinh sống. Người bán nước uống, người bán tạp hoá, làm cho đoạn phố trước dãy nhà công vụ tồi tàn của các nghệ sỹ ở huyện, nom càng nhem nhuốc.
Bơ vơ tương lai
Trong dãy nhà công vụ, có nhiều người gắn bó gần cả cuộc đời cho phong trào của địa phương. Biên đạo múa Trần Hạnh là một người trong đó. Bà sinh năm 1964, đi chiến trường Campuchia từ năm 1981 đến 1985, về công tác trên Trung tâm Văn hóa huyện Châu Phú (An Giang), từ năm 1994 công tác tại Trung tâm Văn hóa dưới này.
Vợ chồng bà có 2 con, ban đầu sống tạm trong phòng tập thể nghèo nàn. Năm 2001, có dãy nhà công vụ cấp bốn thì vợ chồng bà được chia một căn. Bà là cán bộ biên chế, lương tháng hiện nay 2 triệu đồng. Chồng bà Hạnh làm ở một doanh nghiệp trong thị xã, lương tháng 3,5 triệu đồng.
“Với đồng lương như thế, lo ăn mặc hàng ngày đã rất khó khăn, nói đến đất đai nhà cửa là ảo tưởng”, bà Hạnh tâm sự.
“Chủ trương của nhà nước xây nhà công vụ giúp đỡ cho cán bộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà đất để yên tâm công tác. Chuyển công tác hay nghỉ hưu thì phải trả lại nhà cho nhà nước”, ông Cao Hoàng Giang, Chánh văn phòng UBND TX Ngã Bảy, cho biết.
Bà Hạnh thở dài: “Mấy chục năm gắn bó với phong trào nghệ thuật địa phương, chưa lúc nào tôi được yên tâm về chỗ ở. Tuổi ngày càng cao không biết sau này về hưu rồi sẽ ra sao. Không có gì đảm bảo tương lai, mỗi lần nghĩ tôi lại khóc”.
Diễn viên cải lương Nguyễn Thị Ngọc Hà, 43 tuổi, công tác tại Trung tâm Văn hóa TX Ngã Bảy từ năm 1989 đến nay, cũng tâm trạng như vậy.
Lương tháng của bà 2,1 triệu đồng, của chồng làm cán bộ thị xã 3,8 triệu đồng. “Tiết kiệm lắm mới đủ lo cho hai con đang đi học”, bà Hà tâm sự “nghĩ tương lai khi nào tôi cũng lo sợ, về hưu không biết đi đâu, con cái sẽ ra sao?”.