Thơ trẻ TPHCM: 'Tự kỷ' và 'cô đơn' ?

Thơ trẻ TPHCM: 'Tự kỷ' và 'cô đơn' ?
TP - Theo ước tính của nhà thơ Phan Hoàng vào năm ngoái, thơ trẻ Sài Gòn có khoảng 200 tác giả, trong đó khoảng 80 người thường xuyên cộng tác với Hội nhà văn TPHCM.

> Thêm thật nhiều mùa xuân bên mẹ
> Văn hóa đọc cũng cần một ngày hội?

Người yêu thơ trẻ cũng không ít. Chẳng hạn tập thơ của tác giả trẻ Phong Việt, chỉ riêng quán cà phê nhỏ Phong Nguyệt ở quận 3 đã bán được 600 cuốn. Nhưng dường như thơ trẻ không tự tìm bến đỗ cho mình trong Ngày thơ.

Trước Nguyên Tiêu một hôm, Công ty văn hóa Phương Nam ra mắt ba tập thơ tình dạng quà tặng và giao lưu giữa tác giả với bạn đọc tại cà phê sách Phương Nam.

Bà Phan Thị Lệ, lãnh đạo công ty cho biết “Rất ít nhà sách đầu tư in thơ. Việc phát hành cùng lúc ba tập tuyển chọn thơ tình vào đúng Ngày thơ của Phương Nam là một nỗ lực”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng nhận định Việt Nam là cường quốc của thơ, nhưng ý kiến của anh có lẽ không dựa vào lượng phát hành và tiêu thụ thơ!

Trong cái nhìn lạc quan, nhà thơ Đỗ Thị Hạnh nói, sự phát hành tăng đột biến tập thơ của Phong Việt đã góp phần tạo cú hích để các nhà xuất bản quan tâm hơn đến xuất bản thơ.

Theo chị Hạnh, thơ Phong Việt ban đầu chỉ phát tán trên mạng, với một tâm hồn thơ yếu đuối thậm chí gần như được viết ra bởi một tâm hồn “tự kỷ” đơn độc song chính điều đó đã nhận được sự ủng hộ và chia sẻ lớn của cộng đồng mạng. Phải chăng “thơ tự kỷ” cũng là nét mới của thơ trẻ ngày nay?

Sáng sớm ngày Nguyên Tiêu, NXB Văn hóa Văn Nghệ TPHCM ra mắt tập sách của tác giả Việt kiều Nguyễn Hữu Tài tại Cà phê Thứ Bảy.

Nguyễn Hữu Tài đã in ba cuốn sách trong nước, cuốn ra mắt trong Ngày thơ có tên Cô đơn thẳng đứng với hình ảnh bìa là một người trẻ tuổi bị trễ tàu, không biết phải làm gì trên sân ga vắng tanh.

Trong các nhà sách, thơ vẫn được bán nhưng chủ yếu là “thơ cổ”, thơ cũ: Thơ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính. Cũng vẫn mảng thơ tình được tái bản nhiều.

Nhà phê bình trẻ Trần Ngọc Hiếu, người mới bảo vệ luận án tiến sĩ về Lý thuyết trò chơi trong thơ hiện đại Việt Nam cũng than phiền rằng thơ trẻ mấy năm nay nhạt, không mấy ấn tượng nên anh đang tập trung nghiên cứu thơ điên của Bùi Giáng.

Tại Cung văn hóa Lao Động, nơi thường diễn ra triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ, hôm nay có mười mấy gian thơ của các câu lạc bộ. Các gian thơ trưng bày khá cầu kỳ, nhiều mai đào và câu đối, nhưng mới được nửa Ngày thơ các CLB đã phải dẹp để Cung thu hồi mặt bằng.

Anh Nguyễn Văn Quý làm gian thơ lục bát thông báo: “Thơ lục bát đang được đề cử di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Tôi hỏi thành viên của các anh đông không?

Anh Quý cho biết: “CLB có 30 người”. Một thành phố hơn 8 triệu dân, với một hội thơ lục bát được Hội nhà văn TP rất ưu ái, trong một đất nước được gọi là “cường quốc thơ” mà CLB thơ lục bát chỉ có 30 thành viên (có một số hội viên Hà Nội) thì quả thật thơ lục bát đang là một di sản tinh thần của Việt Nam đáng được UNESCO bảo vệ gấp.

Nhiều tỉnh tổ chức chung ngày thơ

Ngày 23-2, tại Khu văn hóa Hồ Nước Ngọt (tỉnh Sóc Trăng), Hội VHNT các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng tổ chức Ngày Thơ Việt Nam. Có nhiều hoạt động, thi viết thư pháp bài thơ hay tiếng Việt, thư pháp thơ chữ Hán, ký họa chân dung nhà thơ, ảnh đề thơ và đọc, ngâm thơ, ca múa nhạc với những bài hát phổ nhạc từ thơ.

Tại tỉnh Hậu Giang, tối 23-2, Hội VHNT tỉnh tổ chức đêm thơ chủ đề “Tuổi trẻ và Tổ quốc”, có triển lãm 120 ảnh thơ, nhạc, nghệ thuật, lồng đèn bên cạnh các tiết mục ngâm thơ, ca múa, nhạc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG