Sân thơ trẻ - thành công nhờ Tổ quốc

Sân thơ trẻ - thành công nhờ Tổ quốc
TP - Ngày thơ năm nay không chạy theo hình thức mà thay đổi về nội dung. Thay vì tình yêu riêng tư, yêu chung chung, các nhà thơ tập trung bày tỏ tình yêu Tổ quốc. Và thơ nhanh chóng tìm được sự đồng điệu giữa những người yêu thơ, yêu nước.

> Cú hích cho cỗ xe thơ đang ì ạch chạy
> Ngày Thơ sẽ đậm đặc thơ biển đảo và Tổ quốc

Hình như khuôn viên Văn Miếu Quốc Tử Giám vào ngày thơ chủ đề Tuổi trẻ với Tổ quốc đậm sắc đỏ hơn mọi năm. Nhưng có độc giả cao niên và chắc là khó tính lại nhìn thấy dấu vết ngoại quốc trong những chiếc đèn lồng đỏ, dây trang trí kết hình “quả thuốc phiện” đỏ... dọc các con đường dẫn vào Khuê Văn các.

Tất cả những trang trí đó dù sao cũng chỉ để làm nền cho các phướn đỏ dán chữ vàng của những câu thơ tuyển chọn.

Bên cạnh đề tài “nóng”: Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả/ Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn (Nguyễn Việt Chiến), Mẹ của chúng con chiến tranh và giông bão/ Người chắt chiu đến nước mắt cũng để dành (Phạm Đương) - vẫn là những vần thơ của muôn thuở: Tôi bỏ nhà đi mười mấy tuổi/ Mà sao vẫn nhớ tóc em dài (Nguyễn Hồi Thủ)...

Trong sân Thái học, dễ dàng bắt gặp hình ảnh giới trẻ nô nức xúm quanh các ông đồ đương đại xin chữ Hán về treo. Trong số những tiết mục văn nghệ ý nghĩa của sinh viên các trường ĐH ở Hà Nội tại sân thơ trẻ có một tiết mục gọi là nhảy hiện đại trên nền bài hát Hàn Quốc.

Kể ra các nữ sinh Học viện Báo chí Tuyên truyền chịu khó tìm một bài hát Việt làm nhạc nền thì chắc sẽ phù hợp hơn với không khí và chủ đề đặc biệt của Ngày thơ năm nay.

Năm nay, với sự tham gia của lực lượng sinh viên, nhà thơ Hữu Việt- tổng đạo diễn sân thơ trẻ hy vọng sẽ lôi kéo được lực lượng có thể chưa phải người yêu thơ nhưng là “người yêu bạn mình”.

Ý anh muốn nói đến các bạn sinh viên đi cổ vũ cho bạn. Tận khi MC nói lời từ biệt và đọc tên các nhà tài trợ, vẫn còn khá đông khán giả ngồi lại với sân thơ trẻ.

Trong khi đó, các “gian hàng” thơ của các trường ĐH lại không hút được mấy khách. Trừ một số trường ĐH có hoạt động trong lĩnh vực văn thơ như ĐH Văn hóa, ĐH KHXH&NV... thì hầu hết các gian hàng khác đều biến thành nơi để quảng bá về trường.

Tiết mục mở màn cho sân thơ trẻ cũng tỏ ra không được thích hợp lắm khi nó là bài “trường ca” của ĐH Đại Nam. Kết thúc màn múa hát đông đảo của các giảng viên, sinh viên nhà trường, logo của trường được đưa lên cao- ngay đằng sau phông nền sân khấu in hình tấm bản đồ Việt Nam kết bằng hoa đào- thiết kế của nhà thơ Nguyễn Anh Vũ.

Mặc dù đã có 2 ngày để sinh viên 11 trường ĐH ở Hà Nội thi thố với thơ nhưng chỉ có 2 tiết mục đọc thơ là được chọn để trình diễn trong sáng 24-2, hơi ít so với các tiết mục ca nhạc. Các tiết mục hầu hết mang tính chất cây nhà lá vườn, và phần nào bị hạn chế do âm thanh tậm tịt.

Sau phần khai mào của sinh viên, sân thơ trẻ chính thức vào cuộc bằng tổ khúc Tổ quốc, trong đó 9 nhà thơ từ các vùng miền khác nhau đọc những sáng tác về đất nước của chính mình. Họ là Nguyễn Thụy Anh (Hà Nội), Nguyễn Minh Cường- Trường Sĩ quan Chính trị Bắc Ninh, Miên Di (Gia Lai), Quang Hưng (báo Nhân Dân), Vũ Thiên Kiều (Kiên Giang), Lữ Thị Mai (Thanh Hóa), Nguyễn Anh Vũ (NH Tuổi trẻ), Du Nguyên (Nghệ An), Bình Nguyên Trang.

Những giọng đọc bỗng trở nên gan ruột, đầy xúc cảm, những ánh mắt long lanh, nét mặt hùng hồn... Mở đầu là giọng đọc của Thụy Anh: Tôi muốn viết một bài thơ về Tổ quốc tôi/ Không dám viết đến cùng những điều thành thật/ Chỉ nói rằng yêu…

Miên Di tiếp lời: Mẹ Tổ quốc tôi/ đôi bầu ngực đảo/ bốn nghìn năm nhức sữa nuôi con/ Dưới vòm sữa Mẹ/ từng con sóng vẫn làm điều của sóng/ sóng hiền lành và sóng biết bão giông/ Chúng con lớn lên/ theo nhịp ru thiêng dưới vòm sữa hiền từ/ lớn lên từ những vết găm trong trang sử/ loang đầy máu cha ông...

Các nhà thơ tiếp tục triển khai nhiều mảng miếng liên quan đến đề tài lớn. Những câu thơ về mẹ, về trẻ em, về hậu quả chiến tranh, về người lính... đều có độ chắt lọc và lay động đáng kể. Kết thúc tổ khúc, chủ đề “vòm sữa mẹ” được các nhà thơ đồng thanh cao giọng nhắc lại.

Mặc dù âm thanh đôi chỗ vẫn tiếp tục tậm tịt gây gián đoạn cảm xúc của người nghe nhưng tổ khúc Tổ quốc vẫn là một phần trình diễn để lại ấn tượng tốt, gây xúc cảm sâu đậm trong người nghe.

Hình như động đến đề tài này, các nhà thơ cũng vụt trở nên lớn hơn và cũng đáng yêu hơn. Điều đặc biệt là sự kết hợp các bài thơ của 9 tác giả khác nhau đã tạo thành một chỉnh thể trường ca khá liền mạch.

Điều này dường như tổ khúc Tình yêu trình diễn ngay sau đó chưa đạt tới. Với tình yêu, đúng là mỗi người một kiểu, một tâm trạng, một giọng điệu.

Chẳng hạn đang thơ “tự kỷ” của Du Nguyên: Tôi không còn thiết tha gì những chiếc lá vàng/ Lá vàng cũng đã bỏ tôi mà đi/ Tôi không còn nhớ nhung gì dòng sông/ Những dòng sông chảy mãi/ Tôi không còn chờ đợi người yêu dấu/ Anh ấy cũng bỏ tôi rồi.

Bước ngay sang thơ lạc quan từng trải của Thụy Anh, không khỏi lệch pha: Cảm ơn anh đã quên em, người đàn ông có mắt nhìn biển khơi và đôi vai gió lộng/ Có nụ hôn mặt trời thiêu bỏng cánh hoa/ Những tháng năm xa càng níu lại càng xa/ Thôi cứ sống đừng say mê đừng nghĩ ngợi/ Mình vẫn có nhau đây, vai kề vai trên chặng đường vời vợi/ Chỉ xin đừng nhắc gọi tình yêu!

Dù sao thì các nhà thơ cũng đã làm đúng bổn phận của họ: Làm thơ và đọc thơ- chứ không quá gồng mình lên để thực hiện những tiết mục trình diễn mang tính hỗn hợp như những kỳ trước. Các tổ khúc chỉ giản dị trình bày trên nền nhạc sống.

Do đó các nhạc công có thể chọn các đoạn nhạc đúng theo tinh thần của các đoạn thơ để đoạt tới hiệu quả tốt nhất. Một yếu tố làm nên thành công của ngày thơ năm nay là thời tiết: nắng ấm nhưng khuôn viên Văn Miếu Quốc Tử Giám lại có mây che, thỉnh thoảng những luồng gió hây hẩy ùa về. Những vần thơ đẫm tình yêu tổ quốc đã động tới cả... thời tiết chưa biết chừng!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.