> Bí ẩn hang Phật Thăm Pa Fa
> Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
Hơn 50 hiện vật đặc sắc thuộc bộ sưu tập đèn cổ có niên đại cách nay khoảng 2.500 năm cho tới thế kỷ 20, chế tác công phu, tinh tế và đa dạng chất liệu, kiểu dáng. PGS.TS. Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng khẳng định: “Số đèn này chỉ có ở Việt Nam. Trung Quốc không có”.
Đèn thuộc văn hóa thời sơ sử có niên đại thế kỉ 5 TCN đến thế kỉ 4 SCN, là hiện vật đèn sớm nhất Việt Nam. Đèn văn hóa Sa Huỳnh gắn liền với tập quán sinh hoạt và phương thức lao động của cư dân: Chân đèn Hòa Diêm có thể sử dụng trên thuyền đánh cá.
Có sức hút lớn nhất tại triển lãm chính là cây đèn đồng hình người quỳ - nằm trong số 30 bảo vật quốc gia đợt 1. Cây đèn thuộc thời văn hóa Đông Sơn, 2.500 tuổi có những đặc trưng như chất liệu đồng, biểu tượng về cây vũ trụ với rất nhiều tượng người, tượng vật (voi, hươu, bò).
Viện Viễn Đông Bác Cổ tìm thấy cây đèn người quỳ trong cuộc khai quật năm 1935 tại Thanh Hóa. Giá trị của nó nằm ở phần chế tác cực kỳ tinh xảo: Hai vai và trên lưng hình người quỳ tỏa ra 3 nhánh chữ S, đỡ 3 đĩa đèn dầu. Tóc bức tượng xoắn ốc, đội khăn, phía trên đùi tượng lại có thêm 4 hình người nhỏ cũng ở tư thế quỳ.
Nguồn gốc và ý nghĩa tâm linh của cây đèn bảo vật này còn nhiều tranh cãi. Một số nhà nghiên cứu cho rằng nó thể hiện sự giao lưu văn hóa: Phần tóc dáng dấp nghệ thuật Ấn Độ, trong khi vành khăn lại là biểu trưng của sự vương giả, địa vị cao theo văn hóa Địa Trung Hải.
Mặt khác, không ít nhà nghiên cứu cho rằng hình người quỳ không phải nghi thức quan trọng, nó thể hiện cách điệu hình ảnh tù binh bị bắt trở thành người hầu bê đèn.
Riêng PGS.TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc bảo tàng cho rằng: “Bảo vật này mang đặc thù của văn hóa Đông Sơn giai đoạn cuối, khi quan niệm về ánh sáng, vũ trụ, mặt trăng mặt trời... gắn liền với sự bất tử”.
Loại đèn chế tác trong 10 thế kỷ đầu phản ánh sự giao lưu, ảnh hưởng văn hóa phương Bắc rõ nét, chất liệu chủ yếu bằng đồng và gốm với loại đèn đĩa gốm, đèn hình tích trà.
Trong khi đó, đèn gốm từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 20-thời kỳ phong kiến độc lập tự chủ- cho thấy sự phát triển cao, cả về kỹ thuật lẫn nghệ thuật trang trí.
Ông Chiến, Phó Giám đốc bảo tàng nói, nhiều cây đèn gốm trong số này thể hiện sự sáng tạo đậm chất văn hóa Việt, với nhiều kiểu dáng không gặp ở bất cứ quốc gia nào.
Đáng chú ý, nhiều chân đèn được đặt làm riêng để cung tiến vào đình, chùa, quán có minh văn-chữ viết cách điệu. Các chuyên gia của bảo tàng khẳng định, minh văn lưu lại này cho phép thống kê khoảng hơn 30 nghệ nhân làm gốm, hoặc người đặt làm chân đèn: Cặp chân đèn chế tác năm Diên Thành 1579, người đặt hàng là Lê Thị Lộc.
Một cặp chân đèn năm Đoan Thái 1587 ghi người đặt hàng là Đoan Quận công Mạc Ngọc Liễn và Phúc Thành công chúa. Những phụ nữ được lưu tên trên các đèn này cũng thể hiện rõ văn hóa Việt, khác với các nước phong kiến trong khu vực thời bấy giờ. Ngoài ra, bảo tàng tìm thấy gần 30 món đồ gốm ghi tên của nghệ nhân Đỗ Phủ ở nhiều bộ sưu tập cổ trong và ngoài nước.
Hiến tặng bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa Nhà sưu tập Trần Mạnh Tuấn hôm 1-2 đã hiến tặng cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia 23 bản đồ, 10 tài liệu tiếng Anh, Nhật khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đại diện bảo tàng nói, sau khi tiếp nhận sẽ xây dựng hồ sơ khoa học, giám định giá trị tư liệu trước khi trưng bày. |
Công bố 11 bảo vật quốc gia Bảo tàng Lịch sử quốc gia hôm 1-2, tổ chức lễ công bố 11 bảo vật quốc gia hiện lưu giữ tại bảo tàng, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 1-10-2012. Trong 30 bảo vật quốc gia đợt 1, Bảo tàng hiện giữ 11 vật quý: Trống đồng Ngọc Lũ; trống đồng Hoàng Hạ; thạp đồng Đào Thịnh; tượng hai người cõng nhau thổi khèn; cây đèn hình người quỳ thuộc nền văn hóa Đông Sơn; ấn đồng Môn Hạ Sảnh ấn; trống đồng Cảnh Thịnh thời Tây Sơn năm 1800; các tác phẩm và di bút của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đường Kách Mệnh (1927), Ngục trung nhật ký; bút tích Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. |