Nguyễn Huy Thiệp 'chơi' kịch nhà Ôsin

Nguyễn Huy Thiệp đóng vai trò mới trên sân khấu kịch
Nguyễn Huy Thiệp đóng vai trò mới trên sân khấu kịch
TP - Một vở kịch thể nghiệm, một vở kịch tâm lý được chuyển thể từ truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, và bây giờ chính ông ra tay viết kịch bản Nhà Ôsin và chọn cách đi theo vở diễn ngay từ khi bắt đầu lên sàn tập.

> Nguyễn Quang Thiều sinh ra cho tranh cãi?

Hiếm có vở diễn nào mà biên kịch lại kè kè ngồi soi đạo diễn và diễn viên làm việc ngay từ lúc mới vỡ kịch bản như Nguyễn Huy Thiệp.

Đạo diễn NSND Lê Khanh cùng nghệ sĩ Đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi trẻ mới làm lễ khởi công Nhà Ôsin cuối tuần trước, chiều qua bắt tay tập vở. Bảy diễn viên trên sân khấu, nhưng đoàn có tới tận ba kíp diễn viên.

Kịch mở đầu bằng nhân vật Thủy Trần, cô bạn của Oanh Bé-cô con gái ông đại tá- đến nhà chơi. Ở đây người xem sẽ khám phá ra từng chân dung, một ông đại tá hài hước, khó tính nhưng cũng không kém chất hiền triết bị con cái ép phải rời ngôi nhà để cho người nước ngoài thuê.

Một Oanh Bé trong trẻo, vô tư đối ngược với Oanh Nhớn ghê gớm, quyền lực đi lên từ Ôsin trong nhà thành bà chủ, thành người thành đạt có tiếng trong khu vực.

Đó còn là Phú Điên quê Hà Tĩnh, người từng lặn lội ra thủ đô mong cầu hôn Oanh Bé, cuối cùng lại đem về một Ôsin mới- bà Tơ, vốn là Ôsin nhà ông đại tá, nhưng thực chất là mẹ cậu ta.

Trong đám người làm còn có nhân vật đầy hình tượng Mê-lu-za, tên một con quỷ trong kinh thánh, được tác giả phác tính cách ngắn gọn: Vừa nguy hiểm, vừa non nớt, hi sinh.

Nhìn qua thấy kịch bản Nguyễn Huy Thiệp đơn giản, hai màn với bối cảnh tại ngôi nhà của ông đại tá về hưu, sống cùng với đoàn 20 Ôsin. Lê Khanh để các nhân vật lần lượt xuất hiện, thử qua lời thoại, coi như màn ra mắt tác giả.

Nhà văn chau mày, chống cằm, khi nhấp ngụm trà, lúc lại chăm chú ghi chép. Chờ điểm mặt đủ nhân vật, ông chẳng ngại nhặt sạn, dù vở kịch mới đặt bước đi đầu tiên.

“Ai không thực sự say mê thì đừng làm việc với tôi”, Nguyễn Huy Thiệp nói ngay trong buổi lễ khởi công. Ông bảo lâu nay sân khấu Việt Nam theo lối diễn cũ-thương vay khóc mướn nhiều quá.

“Ở đây tôi muốn viết một vở kịch như chơi kịch. Kịch nhẩn nha, nhẹ nhàng, sâu sắc đòi hỏi diễn viên lối diễn nhàn nhã”, ông mở đầu chuỗi góp ý như thế, trước khi hạ câu: Mọi chuyện không hề đơn giản.

Nguyễn Huy Thiệp từng can Lê Khanh và Nhà hát Tuổi trẻ đừng dựng vở này, bởi đòi hỏi chuyển tải đúng ý đồ tác giả là điều không dễ.

Đến như NSƯT Chí Trung tưởng đã quen lắm với những vai hài, đường đường là Trưởng đoàn kịch 2 nay vào vai đại tá vẫn bị chỉnh không nể nang: “Nhân vật đại tá là nhân vật tự sự, mà sức hút của anh Chí Trung lớn quá, khí chất của anh mạnh quá, nó đè bẹp các diễn viên khác”.

Nguyễn Huy Thiệp đòi dàn diễn viên phải khớp nhau từ âm vực, cách thoại cho đến hành động.

Không chỉ riêng vai của Chí Trung, tất cả các vai khác Nguyễn Huy Thiệp đều muốn đặt ở dạng vai tự sự. Thoại đấy nhưng không hẳn để thoại, cốt nói cho mình nghe, nói hết tâm can. Trong vở kịch này, thoại không phải vấn đề quyết định. Đúng là buổi chiều ngồi nghe diễn viên thoại với nhau chưa có ấn tượng gì, có lẽ phải trông chờ cả vào diễn xuất.

Hóa thân vào nhân vật cũng không hề đơn giản, như vai cô Ôsin trẻ Mê-lu-za, nói rất ít, nhưng diễn viên phải sao cho ra dáng một cô nàng nguy hiểm, dáng đứng, điệu bộ có thể hạ gục bất cứ người đàn ông nào, kể cả ông đại tá.

Phú Điên dù từng là kẻ trộm, giờ thành tỷ phú nhờ làm ăn giỏi cũng không thể thoại, diễn một cách dễ dãi-nhà văn còn gắn cho nhân vật cái chất tiến bộ của lớp thanh niên thời nay. Không hề đơn giản. Nguyễn Huy Thiệp liên tục nhắc lại câu ấy, phần như tự nhủ, phần có vẻ như dọa diễn viên trẻ.

Kịch bản Nhà Ôsin chia hai hồi, mở đầu tràn đầy tiếng cười, phần còn lại phần nhiều buồn, có nước mắt. Khắt khe để có vở diễn hay là đương nhiên, nên tác giả kịch bản hi vọng diễn viên phải thực sự mua tiếng cười, khi cần là lấy nước mắt của khán giả.

Chí Trung bắt bẻ nhà văn đến cùng, xem thông điệp mà người viết gửi gắm, cho dễ cảm. Câu trả lời xem chừng khá tưng tửng, chẳng có thông điệp nào ghê gớm cả.

Nói vậy mà không phải vậy, dù Nhà Ôsin chỉ diễn ra trong một gia đình bình thường, nhưng rộng hơn nó là bức tranh của xã hội hiện nay. Nếu không thì đáng gì mà nhà văn phải nhọc trí đồng hành với diễn viên như thế này, để cho ra một vở hay, ít ra như ông kỳ vọng-Ngôi nhà trên thiên đường.

Không cẩn thận rồi cái nhà hát này, cái thành phố này, đất nước này cũng dễ trở thành ngôi nhà Ôsin, chúng ta sẽ là Ôsin.

Nguyễn Huy Thiệp lấp lửng thế đấy, vì ông hi vọng những vấp váp, chập chững ở buổi tập đầu sẽ không thế mà lên sàn diễn. Dự kiến, vở kịch ra mắt đầu tháng 11.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG