> Hát hay, lái xe giỏi dễ xin việc
- Bố ơi, câu “Với những thiếu hụt trong đội hình đã khiến đội A. hoàn toàn lép vế trước đội B”, chủ ngữ ở đâu ạ?
- Câu này không có chủ ngữ, gọi là “cụt”. Nhưng con nghe ở đâu?
- Tối qua truyền hình nói thế. Hôm kia là câu “Mặc dù đã tấn công rất nhiều nhưng cuối cùng đội C. đã giành phần thắng trước đội D.”, con chả hiểu gì cả.
- Câu này tối, có lẽ ý họ định nói là “Mặc dù đội D. đã tấn công nhiều nhưng cuối cùng C. là đội chiến thắng”.
- Thế mới phải. Sao truyền hình lại cứ nói thế nhỉ?
Đến đây thì anh Minh “tịt”. Quả anh cũng là người mê thể thao, chả mấy khi bỏ trận bóng đá nào. Phần tường thuật bóng đá trong nước, thỉnh thoảng nghe bình luận viên nói “rất nhiều những cổ động viên” hay “một số các cầu thủ”, anh thấy đây là lời nói thừa nhưng chấp nhận được, vì diễn biến trên sân quá nhanh, phải theo cho kịp. Nhưng phần thể thao sau chương trình thời sự tối thì thế nào phần lời cũng phải được viết trước.
Viết sai, câu không đủ thành phần vẫn cho đọc cho phát thì ẩu quá. Hôm nào cũng phải nghe những lời như thế anh thấy nó phản cảm về văn hóa lắm.
Nhưng chuyện cả triệu người Việt nữa cũng phải nghe, trong đó có những đứa trẻ rất cần nói đúng viết đúng tiếng Việt, thì dễ dẫn đến suy nghĩ tiêu cực, rằng cái sai cứ lặp đi lặp lại mãi thành ra đúng.
Chả nhẽ phần thể thao trong nước không ai biên tập phần lời, chỉ cần có thông tin là đủ? Nói thế vì ít khi những lỗi ngữ pháp như trên xuất hiện trên phần thể thao quốc tế. “Tây” nó viết để ta dịch lại khó sai hơn chăng?