Chứ thực ra, đây có lẽ là cuốn sách cung cấp cho người đọc “nhiều góc nhìn” nhất về Phạm Quỳnh - “con người của lịch sử”.
Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi biết tin Phạm Quỳnh (PQ) bị “xử” ở Huế, đã nói lời cảm thông với gia đình PQ: “Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này…”.
Cũng từ năm 1945, Hồ Chủ tịch đã nói với ông Tôn Quang Phiệt, Chủ tịch UBND cách mạng Thừa Thiên Huế: “Giết một học giả như vậy thì nhân dân ta được gì? Cách mạng được lợi ích gì? Tôi đã từng gặp, từng giao tiếp với cụ Phạm ở Pháp. Đó không phải là một người xấu!”.
Trong cuốn sách, tác giả còn dành hẳn một chương với nội dung: “Nhìn nhận Phạm Quỳnh dưới góc độ quan điểm Hồ Chí Minh”.
Cuốn sách thể hiện “nhiều góc nhìn” về PQ, vì đã dẫn ra rất nhiều tư liệu trong và ngoài nước viết về PQ trong mấy chục năm qua của những tên tuổi quen biết như Nguyên Ngọc, Sơn Tùng, Văn Tạo, Dương Trung Quốc, Vũ Ngọc Khánh…
Có người như GS Đinh Xuân Lâm, ngay trong “Lời giới thiệu” cuốn sách, đã thẳng thắn thừa nhận là trước đây, trong quá trình giảng dạy, “do chưa nắm được các nguồn tư liệu cần thiết, lại thiếu một sự phân tích đánh giá thật sự khách quan khoa học” nên đã “đánh giá không đúng… đã có một số nhận định đơn giản...” về PQ và Tạp chí Nam Phong.
Đặc biệt, theo bài viết của nhà nghiên cứu Huế Vĩnh Ba trong Tạp chí “Huế Xưa & nay” thì chúng ta còn có thêm “góc nhìn” về PQ của thống đốc Trung kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương Decoux ngày 8-1-1945: “Tôi lưu ý ngài một điều là dưới bề ngoài nhã nhặn và thận trọng, con người đó là một chiến sĩ không lay chuyển nổi của nền độc lập Việt Nam và đừng hòng có thể làm dịu đi những tình cảm yêu nước chân thành của ông ta…”.