> Bão số 3 đi nhanh bất ngờ, thiệt hại ít
Sóng đánh vào kè biển khu 1 Đồ Sơn thành cột nước. Ảnh: CTV. |
Ở Nghệ An có hai người chết do bão là: ông Phạm Xuân Tứ (68 tuổi, xóm 7, xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn) do bị điện giật vào sáng ngày 30-7; Trần Vũ Tài (SN 1998, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành) bị chết đuối tại kênh tiêu Vách Bắc vào sáng 31-7.
Tại Sơn La, sáng 30-7, mưa to và dông tại khu vực suối Chiềng Xôm, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã khiến ông Cà Văn Biến (60 tuổi) bị sét đánh chết.
Ngoài ra, theo Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, bão số 3 cũng làm một tàu của Quảng Ngãi (QNg 95010, 12 lao động) bị chìm ngày 27-7 tại khu vực quần đảo Trường Sa, nhưng được một tàu của Philippines cứu giúp. Bão cũng khiến 3 tàu bị hỏng (Hải Phòng 1 tàu, Quảng Bình 2 tàu) và một thuyền gỗ ở Nam Định bị trôi.
Thống kê ban đầu cho thấy, Nghệ An có 5 nhà tốc mái, hơn 1.600 ha lúa, 1.600 ha vừng, 220 ha đậu… bị ngập.
Tại Hải Phòng, dù cơn bão số 3 không đổ bộ vào nhưng do biển động từng cơn sóng đánh mạnh vào bờ kè khu bãi biển 1 và kè khu Resort Hòn Dáu ở Đồ Sơn thành những cột nước cao cả chục thước và tràn lên đường giao thông khu 1 làm ngập khoảng 20 cm.
Tại Đồ Sơn, sóng đánh mạnh làm sạt lở 600 m kè chắn sóng khu Resort Hòn Dáu và đường phía đông bao quanh biển thuộc phường Vạn Hương.
Đê biển bao quanh đảo Cát Hải đã bị sóng đánh hư hỏng, sạt lở nghiêm trọng, xói sâu vào thân đê làm tuyến đê bị biến dạng dài gần 2 km. Sóng biển cũng đã đánh vỡ đoạn đê dài gần 50 m khu vực cống Hải Lộc. Do vậy, nước biển từng đợt tràn vào thị trấn đảo Cát Hải có nơi ngập đến nửa mét.
Gần một nửa thị trấn Cát Hải bị ngập lụt trong biển nước. Huyện đảo Cát Hải đã phải sơ tán hơn 2.100 người dân đến các nơi cao ráo, trường học và trụ sở cơ quan để tránh nước biển tràn vào.
Tại Thanh Hóa, mặc dù cơn bão số 3 ảnh hưởng không lớn nhưng cũng đã gây thiệt hại cho tỉnh này ước tính khoảng 25 tỷ đồng.
Ba ngôi nhà bị đổ, 9 ngôi nhà bị tốc mái, 23 cột điện hạ thế bị gãy đổ, 35 ha mía nguyên liệu bị gãy; 13,5 ha ngô bị đổ giập; 3,7 km đường giao thông, đê điều, bờ bãi bị sạt lở; hàng trăm héc ta đầm nuôi trồng thủy sản ở các huyện ven biển của tỉnh đang trong vụ thu hoạch bị ngập bờ bao, gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân...
Theo UBND huyện Hoằng Hóa, triều cường dâng cao đã làm tràn bờ hơn 1.134 ha ao nuôi trồng thủy sản đang đến kỳ thu hoạch.
Theo Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, dù bão đã tan, nhưng các địa phương cần theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, dự báo, cảnh báo kịp thời cho người dân, nhất là các tỉnh miền núi để có biện pháp chỉ đạo phòng, tránh. Cùng đó, khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão số 3, có biện pháp giúp đỡ đối với những hộ gia đình bị thiệt hại để sớm ổn định đời sống; kiểm tra an toàn các hồ chứa theo phân cấp, nhất là các hồ chứa nhỏ, các hồ chứa đã tích đầy nước.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, hiện có một vùng áp thấp đang hoạt động trên khu vực bắc biển Đông. Hồi 13 giờ hôm qua, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào 16.2 đến 17.2 độ vĩ bắc; 117.5 đến 118.5 độ kinh đông. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp này hầu như ít di chuyển và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp, khu vực bắc biển Đông có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động và có mưa dông mạnh.
Sáng 30-7, tàu cá BĐ 30721 của ông Nguyễn Thanh Lưu (1970, ở An Quang Đông, Cát Khánh, Phù Cát, Bình Định) đang đậu trên vùng biển Đề Gi - Cát Khánh thì bất ngờ bị gió to làm đứt dây neo. Tàu lắc mạnh làm con trai ông Lưu là Nguyễn Thanh Thắng (1989) rơi xuống biển chết đuối. |