Đó là tuyên bố của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đưa ra ngày 7/1. Ông nói: “Một lần nữa Việt Nam mạnh mẽ phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc. Đây là hành động xâm phạm một cách nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông”.
Người phát ngôn tuyên bố: “Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động tương tự, không có thêm những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, không có những hành động làm mở rộng và phức tạp hơn tranh chấp”. Việt Nam sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế.
Anh, Philippines lo ngại
Nhiều nước khác cũng đã lên tiếng quan ngại trước hành động trên của Trung Quốc. Trong chuyến thăm Philippines, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond hôm qua phát biểu, bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế giao thông đường biển và đường không ở khu vực tranh chấp trên biển Đông đều bị coi là nguy hiểm, báo Philippines Philstar đưa tin.
Việc Trung Quốc hôm 6/1 tiếp tục đưa thêm 2 máy bay ra đá Chữ Thập mà nước này cải tạo phi pháp thành đảo nhân tạo với đường băng dài 3.000m trên đó làm dấy lên lo ngại Bắc Kinh có thể sẽ áp đặt kiểm soát quân sự khu vực này. “Tự do hàng hải và tự do bay không thể đàm phán được”, Ngoại trưởng Anh Hammond nói tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Philippines Albert del Rosario tại Manila. Thăm Philippines sau chặng dừng ở Trung Quốc, ông Hammond không tiết lộ Anh sẽ có hành động gì nếu Trung Quốc khiêu khích ở biển Đông, mà chỉ nói rằng, Anh sẽ tiếp tục khẳng định quyền tự do đi lại trong khu vực.
Ngoại trưởng Philippines Rosario bày tỏ quan ngại, với những chuyến bay thử nghiệm, Trung Quốc đang chuẩn bị cho việc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), như nước này đã làm trên biển Hoa Đông. “Nếu điều này không bị thách thức, Trung Quốc sẽ cho rằng, ADIZ có thể được áp dụng. Liệu nó được thực hiện trên thực tế hay có chính thức hay không đều là những điều không thể chấp nhận đối với chúng tôi”, ông Rosario nói.
Ông Hammond khẳng định, Anh không đứng về bên nào trong tranh chấp trên biển Đông, nhưng kêu gọi các bên liên quan giải quyết khác biệt theo luật pháp quốc tế, BBC đưa tin. “Chúng tôi thừa nhận tòa trọng tài và chúng tôi sẽ thừa nhận quyết định của tòa”, ông Hammond nói.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Jitendra Sharma, luật sư cao cấp Tòa án Tối cao Ấn Độ, nguyên Chủ tịch, nguyên Tổng thư ký Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế, khẳng định, việc Philippines kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế là đúng; luật pháp quốc tế phải được tôn trọng. “Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển không giải quyết tranh chấp chủ quyền, nhưng anh không thể nói anh không chấp nhận phán quyết của tòa được. Anh không thể nói mình to khỏe nên có quyền xua đuổi những người khác yếu hơn, không chấp nhận điều này điều kia”, ông Sharma nói. Về việc xây dựng rồi quân sự hóa đảo nhân tạo, tuyên bố thiết lập ADIZ trên biển Đông, luật sư Sharma khẳng định: “Về mặt pháp lý, Trung Quốc không có quyền làm những việc như vậy”.
Việt Nam quan ngại Triều Tiên thử bom nhiệt hạch
Việt Nam quan ngại sâu sắc trước việc CHDCND Triều Tiên thử bom nhiệt hạch ngày 6/1/2016, vi phạm các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, làm gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực. Người Phát ngôn Lê Hải Bình hôm 7/1 khẳng định như vậy khi trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Triều Tiên tuyên bố thử bom nhiệt hạch thành công. Ông Bình khẳng định, lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, ủng hộ việc cấm thử hạt nhân toàn diện, không phổ biến hạt nhân và tiến tới giải trừ loại vũ khí này. “Việt Nam kêu gọi các bên liên quan có các hành động thiết thực thúc đẩy hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên”, ông nói.
Hôm qua, Yonhap đưa tin, chính phủ Hàn Quốc quyết định, từ trưa 8/1, nối lại chương trình phát thanh tuyên truyền chống Bình Nhưỡng thông qua hệ thống loa phóng thanh đặt tại khu vực biên giới liên Triều. Ở các khu vực có loa phát thanh, quân đội Hàn Quốc nâng cảnh báo lên mức cao nhất, duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Hôm qua, lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc và Nhật Bản nhất trí hợp tác để Liên Hợp Quốc có thể nhanh chóng thông qua nghị quyết về các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.