Tổng thống Putin nỗ lực “phá vây” phương Tây

Tổng thống Putin nỗ lực “phá vây” phương Tây
TP - Giáo hoàng Pope Francis đã gặp riêng Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Vatican và kêu gọi sử dụng đàm phán như một nỗ lực đem lại hòa bình cho Ukraine. 

Ngày 10/6, ông Putin  cũng gặp Thủ tướng Italy Matteo Renzi. Ông Renzi ca ngợi vai trò của Nga với các nỗ lực chống khủng bố quốc tế và tìm kiếm sự giúp đỡ của Nga để kết thúc cuộc xung đột tại Libya đang khiến cuộc khủng hoảng người tị nạn trên Địa Trung Hải trở nên trầm trọng, báo Mỹ New York Post đưa tin.

Theo New York Post, Thủ tướng Renzi tiếp đón ông Putin hết sức trọng thị và không có bất cứ lời nào phê phán Nga về cuộc khủng hoảng Ukraine, mà chỉ nói rằng cần phải thực thi đầy đủ thỏa thuận hòa bình Minsk. Tại cuộc họp báo Nga-Ý ở Milan, ông Putin nhấn mạnh cái giá các doanh nghiệp Ý phải trả cho các lệnh trừng phạt kinh tế Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với Nga. Các lệnh trừng phạt đã khiến một số hợp đồng trong lĩnh vực quân sự bị hủy bỏ khiến các doanh nghiệp Ý thiệt hại tới 1,2 tỷ USD.

Thủ tướng Renzi nêu rõ vai trò quan trọng của Nga với tư cách Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và tuyên bố Italy “cần sự giúp đỡ của Nga về vấn đề Libya”.

Các nhà lãnh đạo G-7 mới đây tuyên bố sẽ không dỡ bỏ cấm vận cho tới khi Mátxcơva thực thi đầy đủ trách nhiệm của mình trong thỏa thuận hòa bình tại Ukraine và dọa có thể sẽ tăng cường trừng phạt nếu cần thiết. Trong khi đó, Nga cáo buộc Ukraine phá hoại khởi động đối thoại chính trị với phe ly khai ở miền đông, cũng như phong tỏa kinh tế đối với khu vực này. Những cuộc giao tranh dữ dội nhất lại bùng phát những ngày gần đây giữa quân đội Ukraine và dân quân phe ly khai miền đông.

Trang tin Mỹ Huffington Post hôm qua đưa tin, Trung tâm Nghiên cứu Pew vừa công bố kết quả khảo sát quy mô lớn về thái độ của công chúng thuộc khối NATO trong quan hệ với Ukraine và Nga. Theo đó, đại đa số người được hỏi tuyên bố phản đối sự can thiệp của NATO với mục đích hỗ trợ một nước châu Âu khi nước này bị tấn công.

Khoảng hơn một nửa người Mỹ được hỏi (56%) nhất trí rằng, Mỹ cần gửi lực lượng quân sự để bảo vệ các nước NATO chống lại Nga, nhưng quan điểm này rất yếu ớt trong 9 nước NATO thuộc Đông Âu từng tham gia Hiệp ước Warsaw. Ba Lan là một trong những quốc gia ít tin có sự giúp đỡ từ phương Tây khi nước này bị tấn công. Có 49% người được hỏi cho rằng “có”, 31% khẳng định “không”. Ở Ý, Đức và Pháp, 3 trong số 4 quốc gia lớn nhất EU, nhiều người cho rằng, nước mình không nên tham gia liên minh NATO. Tại Tây Ban Nha, tỷ lệ này là 50/50, trong khi Ba Lan và Anh, tỷ lệ ủng hộ NATO cao hơn.

Khi tính trên tỷ lệ dân số, kết quả là khoảng 52% người dân châu Âu phản đối việc can thiệp vũ trang vào quốc gia nào đó nếu nước này bị Nga tấn công. Đức đặc biệt thờ ơ với việc làm bất cứ điều gì để hỗ trợ chính phủ Ukraine. Gần 1/3 số người Đức nghĩ rằng, cần phải thu hẹp các biện pháp trừng phạt chống Nga, khoảng 1/5 số người Đức cho rằng, NATO cần gửi quân đội đến Ukraine.

Nhưng tỷ lệ người Đức ủng hộ biện pháp viện trợ kinh tế cho Kiev cao hơn ở Mỹ. Người dân các nước NATO ủng hộ viện trợ kinh tế, nhưng không ủng hộ vũ trang cho Ukraine. Nhưng nhiều người dân ở các nước NATO khẳng định quan điểm không viện trợ vũ khí cho Ukraine - chỉ 41% người được hỏi trả lời ủng hộ viện trợ vũ khí.

MỚI - NÓNG