Cùng với những lời chỉ trích, doạ dẫm nhau trong mấy ngày qua là màn thể hiện sức mạnh bằng các cuộc thử tên lửa của hai bên, qua đó cho thấy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, tái thống nhất hai miền khó mà thành hiện thực một sớm một chiều.
Chuỗi đáp trả liên hoàn
Trong chuyến thăm một đơn vị hải quân ở đảo cực tây của Hàn Quốc là Yeongpyeong, Đô đốc Choi Yun-hee đã kêu gọi binh sĩ sẵn sàng chiến đấu vững vàng. Ông cũng ra lệnh cho binh sĩ trên đảo Yeongpyeong ngay lập tức trả đũa bất kỳ hành động gây hấn quân sự nào từ phía Triều Tiên.
Đô đốc Choi Yun-hee muốn nhắc nhở binh sĩ Hàn Quốc nhớ về vụ Triều Tiên năm 2010 pháo kích tấn công hòn đảo Yeongpyeong khiến 2 binh sĩ và 2 dân thường thiệt mạng. Hòn đảo này từ lâu đã là “thùng thuốc súng” giữa hai miền Triều Tiên, nơi xảy ra những trận chiến đẫm máu của hải quân hai nước năm 1999, 2002 và 2009.
Những lời lẽ của Đô đốc Choi Yun-hee ngay lập tức bị phía Triều Tiên đáp trả. Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA dẫn tuyên bố của Uỷ ban Tái thống nhất hòa bình của Triều Tiên: “Lời lẽ của ông Choi đã cho thấy nguyên nhân của điều xấu xa đe dọa hòa bình, ổn định khu vực là Mỹ và bè nhóm của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye”. Ủy ban này cũng chỉ trích Hàn Quốc vì gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vốn bất ổn khi vừa thử tên lửa mới với ngụ ý đe dọa. Tuyên bố của Ủy ban có đoạn: “Quan hệ liên Triều đang ngày càng xấu và tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang tiến gần tới bờ vực một cuộc chiến hạt nhân vì Mỹ và Hàn Quốc”. Tuyên bố nhấn mạnh vụ pháo kích vào đảo Yeongpyeong chưa phải là “chuyện quá khứ”.
Mới tuần trước, ngày 3/6, Hàn Quốc vừa “khoe” phóng thử thành công 2 tên lửa đạn đạo tầm xa mà theo Bộ Quốc phòng nước này, các tên lửa “cây nhà lá vườn" có thể chạm tới mọi khu vực ở Triều Tiên. Tên lửa mà Hàn Quốc vừa phóng có tầm hơn 480m, được phóng từ khu vực miền Nam nước này dưới sự chứng kiến của Tổng thống Park Geun-hye. Nhà Xanh đã ra tuyên bố: “Vụ phóng thử tên lửa thể hiện khả năng tên lửa hạt nhân đã được cải tiến, có thể tấn công mọi khu vực ở Triều Tiên một cách nhanh chóng, chính xác khi bị gây hấn hoặc khiêu khích vũ trang”.
Hàn Quốc bắt đầu phát triển tên lửa đạn đạo mới từ năm 2012 sau khi nước này ký thỏa thuận với Mỹ, theo đó cho phép Hàn Quốc sở hữu tên lửa tầm xa để đối phó với đe dọa tên lửa, hạt nhân tiềm tàng từ Triều Tiên. Theo thỏa thuận, Hàn Quốc có thể sở hữu tên lửa đạn đạo tầm xa tới 800 km. Thỏa thuận năm 2001 trước đó giữa hai nước có điều khoản Hàn Quốc không được triển khai tên lửa đạn đạo tầm xa hơn 297 km.
Động thái thử tên lửa của Hàn Quốc được cho là câu trả lời cho vụ Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm hồi đầu tháng 5/2015. Tên lửa đạn đạo chiến lược mới phát triển của Triều Tiên được đích thân lãnh đạo nước này, ông Kim Jong-un coi là “vũ khí chiến lược tầm cỡ thế giới”, có khả năng tấn công và quét sạch bất kỳ lực lượng thù địch nào ở trên biển vi phạm chủ quyền, phẩm giá của Triều Tiên.
Ngay ngày trước khi phóng thử tên lửa từ tàu ngầm, quân đội Triều Tiên đã đe doạ tấn công Hải quân Hàn Quốc, cáo buộc lực lượng này vi phạm lãnh hải của Triều Tiên ở vùng biển phía tây.
Như dự báo, Hàn Quốc lại đáp trả vụ phóng tên lửa của Triều Tiên bằng đe doạ sẽ trả đũa “tàn nhẫn”.
Mỹ, Hàn Quốc lo ngay ngáy
Dù không biết thực hư khả năng của Triều Tiên, nhưng cả Mỹ và Hàn Quốc đều cho rằng Triều Tiên là mối đe dọa với mình. Đô đốc Harry B. Harris Jr., người đứng đầu Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ ở Trân Châu Cảng tại Hawaii nói: “Mối đe doạ lớn nhất mà chúng ta đối mặt là Triều Tiên. Họ có một lãnh đạo khó đoán định và theo tôi là người có thể tấn công đồng minh của chúng ta ở Hàn Quốc và Nhật Ban”?.
Hồi tháng 1/2015, các nhà nghiên cứu tại Viện Hàn - Mỹ thuộc Đại học Johns Hopkins nói rằng, việc Triều Tiên phát triển tên lửa có thể phóng từ tàu ngầm sẽ làm gia tăng mối đe dọa với các căn cứ của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ ở Đông Á, làm phức tạp thêm các chiến dịch, hoạt động triển khai, kế hoạch phòng thủ tên lửa trong khu vực. Các chuyên gia ở Hàn Quốc và Mỹ cũng cho rằng tên lửa phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên có thể là mối đe doạ mới với an ninh trên bán đảo Triều Tiên.
Một báo cáo mới của Phòng Giải trình Chính phủ Hoa Kỳ (US Government Accountability Office) vừa công bố cho biết các tên lửa đánh chặn trong hệ thống phòng thủ của Mỹ, vốn dùng để đối phó với Triều Tiên, có những lỗi kỹ thuật nghiêm trọng. Do đó, Mỹ “rất mong manh” trước một cuộc tấn công hạt nhân từ Triều Tiên. Theo báo cáo, cả 33 tên lửa đánh chặn hiện được triển khai ở căn cứ không quân Vandenberg tại California và Alaska đều có ít nhất một lỗi kỹ thuật. Do đó, báo cáo kết luận hệ thống phòng thủ này của Mỹ là không đủ khả năng.
Ông Henry Cooper, cựu Giám đốc Tổ chức Sáng kiến phòng thủ chiến lược của Mỹ nhận định: Ngay cả khi giải quyết mọi vấn đề kỹ thuật của tên lửa đánh chặn thì một tên lửa của Triều Tiên vẫn có thể vươn tới vùng Nam Cực không được phòng thủ và kích nổ một vũ khí hạt nhân từ trên cao, gây ra một sự cố xung điện từ mà Mỹ gần như bất lực.
Ngay trước khi có báo cáo nói trên, ông Cooper cũng đã cho biết hệ thống chống tên lửa đạn đạo của Mỹ là không đủ do số lượng hệ thống phòng dùng để chặn cuộc tấn công từ khu vực Nam Cực còn hạn chế. Ngoài ra, các hệ thống phòng thủ ở Bờ Đông cũng không đủ khi gần như không có khu vực tên lửa nào ở miền Nam Mỹ.
Lo lắng trước các nguy cơ, Hàn Quốc và Mỹ vừa thiết lập 4 nguyên tắc để đối phó với Triều Tiên. Theo Tài liệu chiến lược 2015, Mỹ và Hàn Quốc sẽ tuân theo 4 nguyên tắc định hướng quá trình ra quyết định, tăng cường năng lực và tác chiến giữa hai nước.