Ít nhất 700 người Bangladesh và người Rohingya ở Myanmar được cư dân Aceh cứu trong tuần qua, nâng số người tị nạn trong các trại ở đây lên khoảng 1.500. Một quan chức quân đội Indonesia nói rằng, bất kỳ người di cư nào cập bờ nước này cũng là bất hợp pháp. BBC dẫn lời Thị trưởng Langsa nói rằng, thành phố không có ngân sách để cứu trợ trên quy mô lớn như vậy, và rằng họ không nhận được giúp đỡ từ Jakarta. Các nước trong khu vực đã đóng cửa biên giới với người di cư. Malaysia đã chặn đường biển phía tây bắc để ngăn người di cư vào. Thái Lan nhanh chóng sửa chữa động cơ của các tàu thuyền và xua họ ra khỏi biên giới, bất kể những người này gần như chết đói và ốm yếu.
Những người di cư đã trả tiền cho những kẻ buôn người để được đưa đến Malaysia với hy vọng tìm được việc làm. Nhưng Thủ tướng Malaysia Najib Razak hôm 17/5 nói rằng, Malaysia “rất cảm thông với những người trên biển”, nhưng “không được đặt gánh nặng lên vai Malaysia vì vẫn còn hàng ngàn người đang muốn đi khỏi nơi ở”. BBC dẫn lời một nhóm được cứu lên Aceh nói rằng, khoảng 100 người trong số họ đã chết sau trận hỗn chiến trên tàu vì tranh giành số thực phẩm còn lại. Nhiều người bị đâm, treo cổ hoặc bị ném xuống biển. Trong khi đó, ít nhất 5 chiếc thuyền chở khoảng 1.000 người được cho là đang thả neo trên vùng biển ngoài khơi bang Rakhine của Myanmar. Các tổ chức nhân đạo nói rằng, vẫn còn hàng ngàn người nữa trôi dạt trên biển.
Hôm qua, Myanmar ghi nhận mối quan ngại của cộng đồng quốc tế về làn sóng thuyền nhân rời khỏi nước này, nhưng khẳng định không chỉ riêng Myanmar phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng di cư của khu vực. “Thay vì đổ lỗi cho Myanmar, tất cả những vấn đề này cần được giải quyết bởi các đối tác khu vực”, Bộ trưởng Thông tin Ye Htut nói sau cuộc họp ngắn giữa các quan chức chính phủ nước này và các nhà ngoại giao ở Yangon. Myanmar vẫn chưa xác nhận việc tham gia hội nghị thượng đỉnh khu vực về cuộc khủng hoảng này. Dự kiến, hội nghị do Thái Lan tổ chức vào cuối tháng 5.
Myanmar không công nhận cộng đồng 1,3 triệu người Rohingya là nhóm thiểu số ở nước này và vẫn giữ quan điểm họ là những người nhập cư trái phép từ Bangladesh. Hàng chục nghìn người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar đã liều mạng ra đi trên những con tàu ọp ẹp qua vịnh Bengal. Vài năm gần đây, làn sóng di cư còn có thêm những người Bangladesh muốn thoát khỏi đói nghèo. Cuộc khủng hoảng xảy ra sau chiến dịch truy quét nạn buôn người ở Thái Lan - điểm trung chuyển chủ yếu của khu vực.
Trong khi đó, một quan chức khu vực của Thái Lan bị buộc tội đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới buôn người. Quan chức này vừa tự nộp mình cho cảnh sát. Pajjuban Aungkachotephan, biệt danh Ko Tong (Anh cả Tong), là quan chức có tầm ảnh hưởng lớn ở tỉnh Satun, khu vực từ lâu nổi tiếng là điểm trung chuyển của những kẻ buôn người. Cảnh sát khu vực cho biết, 65 lệnh bắt giữ đã được đưa ra đối với những đối tượng dính líu hoạt động buôn người. Đến nay, đã có 31 đối tượng bị bắt hoặc đầu hàng, trong đó có Ko Tong. Hơn 50 cảnh sát mới đây bị chuyển vị trí công tác vì không ngăn chặn được nạn buôn người, Channel News Asia đưa tin.
Ngày 18/5, Văn phòng Tổng thống Philippines bác bỏ bài báo nói rằng, nước này sẽ từ chối tiếp nhận những người di cư châu Á. Bộ trưởng Truyền thông Herminio Coloma nói rằng, Philippines sẽ thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc năm 1951 về người tị nạn và sẽ giúp đỡ, cứu trợ những thuyền nhân rời khỏi đất nước vì xung đột chính trị, báo Philstar đưa tin.
Liên Hợp Quốc kêu gọi mọi quốc gia trong khu vực cứu trợ “thực hiện nguyên tắc cứu nạn trên biển” và cho những người trôi dạt trên biển trú chân.