Đợt tập trận diễn ra trong thời điểm quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đang đối đầu nhau ở khu vực biên giới mang tính chiến lược trên dãy Himalaya, nơi Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan giao nhau. Ấn Độ có tranh chấp biên giới từ lâu với nước láng giềng phương Bắc và nay Trung Quốc gia tăng hiện diện trên Ấn Độ Dương.
Giải quyết mối đe dọa chung với an ninh hàng hải
Đây là năm thứ 4 liên tiếp Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản tham gia đợt tập trận hải quân Malabar do Mỹ và Ấn Độ tổ chức thường niên trên vịnh Begal từ năm 1992. Mỹ tuyên bố, đợt tập trận năm nay “lớn hơn về quy mô và độ phức tạp so với các năm trước nhằm giải quyết nhiều mối đe dọa chung đối với an ninh hàng hải trên vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Khoảng 20 tàu, trong đó có tàu sân bay lớn nhất thế giới USS Nimitz, tham gia các hoạt động luyện tập cho đến này 17/7. Tàu sân bay trực thăng Izumo, tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản kể từ Thế chiến 2, và tàu sân bay Vikramaditya của Ấn Độ cũng tham gia đợt tập trận này.
Những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường hoạt động trên Ấn Độ Dương, đầu tư vào các cảng biển ở Sri Lanka, Bangladesh và Pakistan. Khu vực này cũng đóng vai trò quan trọng trong sáng kiến “Vành đai - Con đường” của Trung Quốc nhằm khôi phục các tuyến đường thương mại cổ từ châu Á, khiến New Delhi lo ngại. Đợt tập trận diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trong cuộc gặp đầu tiên với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gần đây rằng, quan hệ giữa Washington và New Delhi “chưa bao giờ mạnh mẽ hơn”.
Trong lúc này, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc vẫn đối đầu nhau trên vùng cao nguyên nơi giao nhau giữa Tây Tạng, Ấn Độ và Bhutan. Theo Global Times, Trung Quốc cáo buộc lính Ấn Độ sang đất của họ, nhưng cả Bhutan và Ấn Độ nói rằng khu vực này là đất của Bhutan.
Vùng Doklam là một điểm nóng nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc nhưng New Delhi luôn theo dõi chặt chẽ vì khu vực này nằm gần dải lãnh thổ hẹp kết nối vùng đông bắc của Ấn Độ với khu vực còn lại của đất nước. Tháng trước, Trung Quốc bắt đầu xây dựng một con đường trên khu vực mà Bhutan cũng tuyên bố chủ quyền. Động thái của Trung Quốc được cho là hành động làm thay đổi hiện trạng nên Bhutan, một vương quốc nhỏ bé trên dãy Himalaya, tìm kiếm sự giúp đỡ của nước đồng minh lâu đời là Ấn Độ. New Delhi đã cử quân lên vùng cao nguyên.
Bà Rajeswari Rajagopalan, nhà phân tích quốc phòng công tác tại Quỹ nghiên cứu Nhà quan sát, một tổ chức tư vấn chính sách tại New Delhi, cho rằng, vụ đối đầu lần này rất nguy hiểm, chưa từng có tiền lệ và có thể leo thang thành chiến tranh. “Ở Delhi đang có nghi ngờ rằng, đây là sự gây hấn có chủ đích của Trung Quốc. Vụ việc đang được coi là cách thử quyết tâm của Ấn Độ trong việc bảo vệ an ninh của Bhutan”, bà nói. “Cách Ấn Độ xử lý vụ việc này rất quan trọng vì có thể gửi thông điệp đến nhiều quốc gia nhỏ ở vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, báo Times of India dẫn lời bà Rajagopalan.
Mạnh-yếu đối đầu
Bhutan, một trong những quốc gia nhỏ nhất thế giới, đang phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ của mình bằng cách xây một xa lộ chiến lược gần ngã ba Tây Tạng-Ấn Độ-Bhutan trên dãy Himalaya. Bhutan tuyên bố, “việc Trung Quốc xây đường trong lãnh thổ Bhutan là sự vi phạm trực tiếp” đối với thỏa thuận với Bắc Kinh. Tuy nhiên, Trung Quốc đổ lỗi cho Ấn Độ rằng, Ấn Độ không tôn trọng các điểm ngã ba và biên giới giữa Tây Tạng và bang Sikkim của Ấn Độ. Vùng đất này cũng tiếp giáp Bhutan.
Cách mà Trung Quốc làm hiện nay với khu vực ngã ba tương tự việc đơn phương thay đổi hiện trạng ở biển Đông và biển Hoa Đông; đó là lấn chiếm từng bước, nhắm tới các khu vực chiến lược, Japan Times nhận định. Theo giới quan sát, những năm gần đây, Trung Quốc nâng cấp cơ sở hạ tầng quân sự và triển khai quân ở khu vực chiến lược này để trong trường hợp chiến tranh xảy ra, một cuộc tấn công chớp nhoáng có thể chia cắt vùng đông bắc của Ấn Độ và khiến Bhutan hoàn toàn bị bao vây, cô lập.