Máy bay giám sát Nga được “lượn lờ” trên bầu trời Mỹ

Máy bay Tupolev Tu-154 của Nga (ảnh: Rianovosti)
Máy bay Tupolev Tu-154 của Nga (ảnh: Rianovosti)
Trung tâm Giảm nhẹ nguy cơ hạt nhân Nga ngày 8/12 công bố rằng một số máy bay giám sát của Moskva sẽ thực hiện các hành trình bay trên bầu trời nước Mỹ.

Những chuyến bay trên được tiến hành hợp pháp theo khuôn khổ Hiệp ước quốc tế Bầu trời mở. Ông Sergei Ryzhkov, lãnh đạo của Trung tâm Giảm nhẹ nguy cơ hạt nhân Nga nêu rõ: “Tuân thủ theo đúng khung hiệp ước quốc tế Bầu trời mở, một nhóm thanh tra Nga sẽ thực hiện nghiệp vụ trong các máy bay giám sát Tupolev Tu-154 trên không phận nước Mỹ”.

Theo ông Ryzhkov, các máy bay trên sẽ cất cánh từ căn cứ không quân Travis tại bang California từ ngày 8-13/12 với phạm vi bay tối đa là 4.250 km. Ông Ryzhkov đánh giá các chuyến bay trên sẽ góp phần thể hiện sự minh bạch của hoạt động quân sự bằng các biện pháp tăng cường lòng tin.

Một số chuyên gia Mỹ cũng sẽ có mặt trên những chuyến bay giám sát của Nga để đảm bảo việc việc vận hành các thiết bị theo dõi tuân thủ đúng Hiệp ước Bầu trời mở.

Hiệp ước Bầu trời mở được ký kết ngày 24/3/1992 tại Helsinki (Phần Lan) với 34 nước ký kết và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2002. Máy bay giám sát không trang bị vũ khí của các nước tham gia Hiệp ước được phép qua lại trên không phận Nga, Mỹ, Canada và các nước châu Âu, những quốc gia đã ký kết hiệp ước.

Hiệp ước Bầu trời mở là sáng kiến nhằm nâng cao sự hiểu biết và tin cậy của các nước tham gia bằng cách trao vai trò trực tiếp trong việc thu thập thông tin về những khu vực gây ra quan ngại với những quốc gia này.

Theo H.Linh

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG