Trong khi đó, Mỹ vừa cho máy bay thả vũ khí xuống cho người Kurd để họ bảo vệ thành phố Kobane giáp Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Abu Issa, chỉ huy của nhóm nổi dậy Syria Thuwar Raqqa, vừa bị thương trong một vụ bắt cóc hụt do IS thực hiện tại thị trấn Urfa của Thổ Nhĩ Kỳ, báo Anh The Telegraph đưa tin ngày 20/10.
Những tháng gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường biện pháp an ninh để chặn các tay súng nước ngoài thâm nhập từ biên giới với Syria nhằm thực hiện thánh chiến. Nhưng vụ bắt cóc trắng trợn vừa qua ở thị trấn miền đông nam cho thấy IS vẫn có thể hoạt động ngay trong lòng Thổ Nhĩ Kỳ mà không bị phát hiện.
Hôm qua, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ cho phép các tay súng người Kurd tăng cường lực lượng ở Kobane. Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa nhiều xe tăng lên những ngọn đồi nhìn xuống Kobane, nhưng từ chối giúp đỡ lực lượng người Kurd trên mặt đất nếu không có một thỏa thuận rộng hơn với các đồng minh của NATO trong việc can thiệp nội chiến Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, cần có hành động chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu vừa phát biểu tại một cuộc họp báo rằng, nước này đang tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng dân quân người Kurd đi qua, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ từ chối can dự cuộc chiến chống lại IS khiến Mỹ ngày càng thất vọng. Chính sách này cũng dẫn đến những cuộc bạo loạn chết người ở miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ khi người Kurd nổi giận vì Ankara từ chối giúp đỡ Kobane hay ít nhất là mở một hành lang đất liền cho các tay súng tình nguyện và lực lượng tăng cường đi qua.
Ankara nhìn nhận người Kurd ở Syria với sự nghi ngờ vì cho rằng họ có quan hệ với PKK - nhóm từng thực hiện chiến dịch quân sự kéo dài mấy thập kỷ để đấu tranh vì quyền lợi của người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ thả vũ khí xuống Kobane
Trong khi đó, các máy bay Mỹ lần đầu thả vũ khí xuống để giúp các lực lượng bảo vệ Kobane trước sự tấn công của IS. Washington thông báo vũ khí đã được các máy bay thả xuống gần Kobane, nơi bị IS tấn công hồi tháng 9 và đang bị bao vây ở phía đông, tây và nam, còn phía bắc tiếp giáp Thổ Nhĩ Kỳ.
YPG, nhóm vũ trang người Kurd ở Syria, cho biết đã nhận được một lượng lớn vũ khí, đạn dược. Ông Redur Xelil, phát ngôn viên của YPG, nói rằng, số vũ khí vừa được thả xuống trong đêm đã có “tác động tích cực” đối với chiến trường, đồng thời động viên tinh thần các tay súng. Tuy nhiên, ông Xelil cho rằng “rõ ràng số vũ khí này không đủ để quyết định trận chiến”.
Việc Mỹ tái cung cấp cho các tay súng người Kurd đánh dấu một bước tiến mới trong nỗ lực của Mỹ nhằm giúp các lực lượng địa phương đánh bại nhóm phiến quân ở Syria. Nó cho thấy sự hợp tác lớn hơn giữa quân đội Mỹ và một nhóm vũ trang người Kurd ở Syria mà lâu nay bị phương Tây xa lánh một phần vì quan ngại của nước thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ lâu nay thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ cho phép sử dụng các căn cứ của nước này để thực hiện không kích, nhưng một quan chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, không phận nước này không được sử dụng trong đợt thả vũ khí xuống Kobane vừa qua, Reuters đưa tin.
Việc Mỹ tăng cường không kích IS trong và xung quanh Kobane đã giúp làm chậm đà tiến của lực lượng này trong tuần qua. Người Kurd cho biết, quân đội Mỹ đang hợp tác không kích với họ, giúp chiến dịch hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Bộ chỉ huy trung ương Mỹ nhận định, tình hình an ninh ở Kobane “vẫn rất mong manh vì IS tiếp tục đe dọa thành phố và các lực lượng Kurd tiếp tục kháng cự”.
Ngày 20/10, tại Indonesia, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiếp xúc song phương với lãnh đạo nhiều nước Đông Nam Á, kêu gọi những quốc gia này tích cực tham gia cuộc chiến chống IS.