> Ba nước lớn đe ông Assad
> Tổng thống Syria hứa tuân thủ nghị quyết của LHQ
Sự nhượng bộ này đã khiến Mỹ và châu Âu không còn khăng khăng đòi Tổng thống Syria Bashar Assad phải từ chức.
Hội nghị Istanbul của phe đối lập Syria. |
Trước đây Liên minh đưa ra một loạt điều kiện mà nếu được đáp ứng họ mới tham gia Hội nghị Geneve - 2. Họ khăng khăng đòi loại bỏ Iran khỏi thành phần Hội nghị, đòi trước khi Hội nghị khai mạc phải vạch được “khung thời gian” cho việc Tổng thống Assad từ chức và đòi Quân đội Tự do Syria (cánh quân sự chủ chốt của Liên minh) phải được tham gia Hội nghị.
Họ còn đòi tổ chức những “hành lang nhân đạo” tại các vùng thuộc quyền kiểm soát của quân đội Chính phủ Syria, đòi cấm ném bom vào các vị trí của phe đối lập và thả các tay súng đang bị chính quyền giam giữ trong các nhà tù. Thậm chí, họ còn đòi Nga phải cam kết bằng văn bản là sẽ không bảo vệ chính quyền của Tổng thống Assad.
Nhưng giờ đây, Liên minh từ bỏ phần lớn các yêu sách ấy, chỉ giữ lại đòi hỏi chủ yếu là Quân đội Tự do Syria phải được tham gia quá trình thương lượng.
Theo nhận định của các nhà phân tích, sở dĩ như vậy là vì việc Quân đội Tự do Syria tham gia Hội nghị sẽ khiến lực lượng này được Cộng đồng quốc tế chính thức thừa nhận, được sự trợ giúp hợp pháp, đặc biệt là sự trợ giúp về quân sự, từ phương Tây và các nước đồng minh, nhờ đó sẽ tạo lập được vị thế cân bằng với chính quyền của Tổng thống Assad.
Tuy từ bỏ phần lớn các điều kiện tiên quyết cho việc tham gia Hội nghị Geneve - 2 nhưng Liên minh vẫn giữ nguyên đòi hỏi cơ bản đối với Hội nghị - đó là Tổng thống Assad phải bị gạt khỏi mọi quá trình chính trị tương lai trong việc giải quyết vấn đề Syria.
Đòi hỏi này hiển nhiên là quá cao. Trước hết, đó là vì Tổng thống Assad và các đại diện của ông đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần là trong quá trình thương lượng tại Hội nghị, họ dứt khoát sẽ không thảo luận vấn đề thời hạn và cách thức ông ra đi.
Hơn thế nữa (và điều này mới thực sự quan trọng), các nhà phân tích nhận thấy Mỹ và phương Tây đã thay đổi thái độ đối với ông Assad. Nếu trước đây họ khăng khăng đòi ông nhất thiết phải ra đi thì giờ đây họ sẵn sàng “cam chịu” ông.
Có vẻ như Nga đã thuyết phục được Mỹ và đồng minh tin rằng nếu chính quyền của Tổng thống Assad sụp đổ thì tại Syria sẽ xuất hiện “khoảng trống quyền lực” và khoảng trống này sẽ bị các lực lượng Hồi giáo cực đoan, chủ yếu là tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaeda, tận dụng.
Nguy cơ này là có thực bởi vì hiện nay ở Syria có tới hơn 400 nhóm nổi dậy đang chiến đấu chống chính quyền của Tổng thống Assad. Những nhóm này tập hợp trong vô số nhóm lớn hơn, có ảnh hưởng khác nhau trên chiến trường và trong nhiều trường hợp, hoạt động độc lập với mục đích thiết lập chính quyền Hồi giáo cực đoan ở Syria.
Nói cách khác, vấn đề Tổng thống Assad phải ra đi không còn cấp thiết đối với phương Tây nữa, vấn đề đáng quan tâm hơn nhiều là làm sao thiết lập được hoà bình ở Syria càng sớm càng tốt để tránh việc Syria rơi vào tay các phần tử khủng bố và cực đoan.
Chính vì thế, Mỹ và phương Tây hiện nay thực tế đã ngừng viện trợ quân sự cho phe đối lập Syria, còn A Rập Xê-út và Qatar - những nước A Rập lâu nay vẫn là nguồn tài trợ chủ yếu cho phe đối lập Syria - cũng đang thận trọng xem xét lại lập trường của mình.
Trong bối cảnh đó, dư luận rộng rãi trên thế giới tin rằng nếu Nga và Mỹ tiếp tục các nỗ lực của mình trong việc chuẩn bị cho Hội nghị Geneve - 2 thì Hội nghị sẽ được triệu tập trong thời gian tới, chậm nhất là trước Giáng sinh năm nay.
VŨ VIỆT
Theo Izvestia.ru và Ng.ru