> Thanh sát LHQ rút khỏi Syria, Mỹ sẵn sàng tấn công
> Mỹ sẵn sàng một mình tấn công Syria
Theo các nguồn tin tình báo, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov mấy ngày qua bí mật đàm phán để đi đến “thỏa thuận có tính bước ngoặt đối với Bashar al-Assad”.
Theo đó, Mỹ sẽ tấn công “một cách có giới hạn và đúng đắn” vào các cơ quan chính quyền và quân sự Syria, sau đó Tổng thống Mỹ và Nga thông báo tổ chức hội nghị Geneva-2 để thực hiện giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria và chấm dứt cuộc nội chiến.
“Mật đàm” Nga - Mỹ thực tế là quyền lợi của Mátxcơva tại Syria. Đó là Tatut, căn cứ quân sự duy nhất của Nga tại Trung Đông, nơi mà Mátxcơva buộc phải duy trì bằng mọi giá để làm bàn đạp tiến vào Ấn Độ Dương, tạo dựng sự thống trị về quân sự và chính trị trên toàn thế giới.
Đó là lợi nhuận của những hợp đồng hàng tỷ đô-la mà các tập đoàn vũ khí Nga ký với chính quyền Assad từ năm 1994 tới nay. Và trên hết là cam kết của Tổng thống Assad rằng Syria dưới chế độ của ông không bao giờ cho phép xây dựng một đường ống vận chuyển khí đốt từ Qatar sang châu Âu, vì việc đó đe dọa an ninh quốc gia và an ninh kinh tế của Nga.
Có tới 70% nguồn thu ngoại tệ của Nga đến từ xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, và khí đốt cũng chính là con át chủ bài mà Mátxcơva có thể sử dụng để gây sức ép với châu lục này khi cần thiết.
Bên cạnh đó, thái độ thận trọng của giới chức lãnh đạo một số nước đồng minh cũng là nguyên nhân khiến Mỹ chưa thể quyết thời điểm nổ pháo lệnh tấn công Syria.
Sau khi Hạ viện Anh bác bỏ khả năng nước này tham chiến tại Syria, chính phủ 12 nước thành viên NATO khẳng định không tham gia liên minh nếu không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Tổng thống Pháp Francois Hollande nói rằng, Pháp tham chiến hay không phụ thuộc vào kết quả cuộc họp khẩn cấp của Quốc hội Pháp bàn về vấn đề này vào ngày 4/9. Tương tự là Đức- nước có quy định rằng, các cam kết quân sự ở nước ngoài đều phải được Quốc hội thông qua.
Lịch sử nước Mỹ chứng minh, một khi “thanh gươm chiến tranh đã tuốt ra khỏi vỏ” thì sẽ không có hành động “thu kiếm” khi mục đích chưa đạt được. Trong bối cảnh quan hệ “thế chân kiềng” Nga-Mỹ-phương Tây ở vào thời điểm nhạy cảm, Nga và đồng minh có thể là những “vấn đề” của người Mỹ, song gần như chắc chắn rằng, Syria sẽ trở thành quốc gia thứ 12 mà Mỹ tấn công quân sự chỉ trong ba thập niên.