Đâu là 'lằn ranh đỏ' cho thế hệ Syria bị 'đánh cắp'?

Đâu là 'lằn ranh đỏ' cho thế hệ Syria bị 'đánh cắp'?
TP - Hơn 1 triệu trẻ em Syria phải chạy khỏi đất nước, 740.000 trong số đó chưa đến 11 tuổi; hơn 3.500 trẻ em lạc gia đình khi chạy khỏi biên giới Syria sang các nước láng giềng Iraq, Jordan, Li-băng, nhiều trẻ bị “đánh dạt” sang tận xứ Wales (Vương quốc Anh), Boston và Los Angeles (Mỹ); hơn 7.000 trẻ thiệt mạng trong các cuộc giao tranh; cứ ba trẻ em ở Syria thì có một bị thương...

> Mỹ sẵn sàng tấn công Syria
> Ai dùng vũ khí hóa học giết 1.300 người ở Syria?

Những con số được Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) và Qũy Nhi đồng của Liên Hợp Quốc (UNICEF) công bố hôm 23/8 cho thấy sự khốc liệt của cuộc nội chiến kéo dài suốt 29 tháng qua tại quốc gia Trung Đông này.

Cuộc chiến ở
Cuộc chiến ở Syria gây ra bao đau thương, mất mát.

Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh một số quốc gia phương Tây đang nỗ lực tìm kiếm chứng cứ chứng minh Tổng thống Bashar al-Assad đã vượt qua “lằn ranh đỏ” khi liên quan cáo buộc rằng, chính quyền Damascus mới đây sử dụng vũ khí hóa học gây nên cái chết thương tâm của hàng trăm dân thường.

Ngày 24/8, Tổ chức Bác sĩ không Biên giới nói rằng, ba bệnh viện Syria tiếp nhận khoảng 3.600 bệnh nhân có các triệu chứng nhiễm chất độc thần kinh, trong đó 355 người đã tử vong.

Hôm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron điện đàm, bày tỏ lo ngại sâu sắc trước nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc tấn công đó là do quân chính phủ Syria thực hiện. Hai nhà lãnh đạo đe dọa có “phản ứng mạnh” nếu Syria thực sự sử dụng vũ khí hóa học.

Dù kết quả kiểm chứng thế nào, ông Assad đã vượt “lằn ranh đỏ” hay chưa, khi nào chiến tranh toàn diện tại Syria nổ ra, thì chắc chắn đã có một “lằn ranh đỏ” đối với trẻ em trong cuộc nội chiến mà kết cục được dự đoán không có người thắng, kẻ thua.

Trước báo giới, Giám đốc UNHCR, ông Antonio Guterres, thừa nhận sự khủng khiếp của cuộc chiến tại Syria đang “đánh cắp” cả một thế hệ quốc gia này. Tại những trại tị nạn mà ông đi qua, thay vì bắt gặp hình ảnh ngây ngô của con trẻ khi rời xa xứ sở, là những trò chơi trò bắn súng và vẽ tranh các em bé bị chết, những chiếc máy bay ném bom, nhà cửa bị phá hủy.

Còn Yoka Brandt, Phó Giám đốc UNICEF, gọi cuộc “di dân” do nội chiến Syria “là một cuộc khủng hoảng của trẻ em, những người không có lỗi trong cuộc khủng hoảng mà các em đang phải trả giá”.

Điều đáng nói, sau khi vượt qua biên giới, hàng trăm ngàn trẻ em Syria tiếp tục đối mặt những thử thách mới, đó là tâm lý bị tổn thương, trầm cảm, tình trạng lao động trẻ em, tảo hôn, khả năng bị khai thác tình dục và buôn bán người, thậm chí bị lôi kéo, ép buộc và dụ dỗ trở lại Syria cầm súng... Một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết, các quan sát viên quốc tế phát hiện không ít “chiến binh” tham chiến Syria mới chỉ 12, 13 tuổi. Điều này cho thấy, phần còn lại của cuộc đời nhiều trẻ em Syria đã, đang và sẽ tiếp tục phải “trả giá” bởi những sai lầm mà người lớn gây nên.

Và, dù nội chiến có qua đi, bên nào giành lợi thế, thì vẫn còn đó hàng loạt câu hỏi đặt ra: Làm sao để vực dậy tinh thần của cả một thế hệ nơm nớp sống trong ác mộng của cuộc chiến vắt kiệt máu, nước mắt, bóp chết tuổi thơ, tương lai của không ít đứa trẻ? Làm thế nào để tái thiết hàng ngàn trường học, cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy hoặc hư hại không thể phục hồi? Và, làm sao để khỏa lấp khoảng trống mênh mông trong tâm hồn và trí tuệ của nhiều trẻ em Syria một thời gian dài sống thiếu thốn tình yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng của gia đình và giáo dục của nhà trường?

Những câu hỏi nhói lòng trên dường như không có lời đáp đối với không chỉ người dân Syria, mà cả cộng đồng quốc tế có lương tri, mà nói như Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon: “Thật là đau lòng khi nhìn thấy trẻ em, thanh thiếu niên Syria, những người không có bất kỳ hy vọng nào về đất nước của mình, những người không biết đến ngày về...”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG