Báo Nga: Trung Quốc nguy hiểm hơn

Báo Nga: Trung Quốc nguy hiểm hơn
TPO - Trong số 5 cường quốc hạt nhân, Trung Quốc là nước duy nhất tăng cường tiềm lực vũ khí hủy diệt của mình, theo báo cáo thường niên của Viện nghiên cứu các vấn đề thế giới Stockholm.

TPO - Trong số 5 cường quốc hạt nhân, Trung Quốc là nước duy nhất tăng cường tiềm lực vũ khí hủy diệt của mình, theo báo cáo thường niên của Viện nghiên cứu các vấn đề thế giới Stockholm.

Các nhà nghiên cứu và phân tích đã xác định, Nga và Mỹ cắt giảm sức mạnh hạt nhân của mình, nhưng đồng thời tăng cường hiện đại hóa loại vũ khí này.

Trong báo cáo thường niên của Viện nghiên cứu các vấn đề thế giới Stockholm vừa được công bố (SIPRI Yearbook 2013) có nói rằng, trong năm vừa qua Trung Quốc là nước duy nhất trong số 5 cường quốc hạt nhân (bao gồm Anh, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Pháp) tăng cường tiềm lực hạt nhân của mình.

Nếu trong năm 2012, Trung Quốc có 240 đầu đạn, thì hiện nay con số đó là 250. Những đầu đạn này chưa được triển khai vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, nghĩa là chưa được lắp ghép với tên lửa mang, như ở Nga, Mỹ, Pháp và Anh.

Một đơn vị tên lửa chiến lược của Trung Quốc
Một đơn vị tên lửa chiến lược của Trung Quốc.

Bên cạnh đó Pakistan và Ấn Độ cũng tăng cường sức mạnh của mình trong lĩnh vực này và phát triển các hệ thống tên lửa mang vũ khí.

Theo thống kê của SIPRI, tính đến đầu năm 2013 ở 8 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thì - Mỹ có 2.150 đầu đạn, Nga -1.800, Anh-160, Pháp - 290, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Israel-tổng cộng có 4.400 đơn vị vũ khí hạt nhân chiến lược. Hơn 2.000 trong số đó đáng ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Tổng cộng kho vũ khí này có 17.265 đơn vị, rõ ràng là ít hơn so với đầu năm 2012, với tổng số khi đó là 19.000 đơn vị.

Số lượng đơn vị vũ khí hạt nhân (VKHN) giảm đi là nhờ những nỗ lực của Nga và Mỹ trong việc thực hiện Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tiến công chiến lược (START-3) và đồng thời nhờ việc đưa ra khỏi biên chế chiến đấu những hệ thống đã quá cũ hoặc hết thời hạn sử dụng.

Tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân DF-41 của Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân DF-41 của Trung Quốc.

Cần phải nói thêm là, cả 5 quốc gia được chính thức công nhận là những cường quốc hạt nhân hoặc triển khai các hệ thống phương tiện mang mới, hoặc tuyên bố về những kế hoạch tương tự, điều này có thể minh chứng cho ý đồ duy trì kho vũ khí hạt nhân trong một tương lai không xác định.

Nội dung phân tích tình hình an ninh quốc tế, tiến trình vũ trang và giải trừ quân bị trên thế giới cũng được dẫn ra trong báo cáo của SIPRI. Trong năm vừa qua hình thành 3 xu hướng quan trọng - ngoài việc Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân, quân số của các lực lượng gìn giữ hòa bình cũng giảm mạnh do các tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan.

Trưởng nhóm nghiên cứu và phân tích khoa học của SIPRI, ông Yir van de Lyn cho rằng: “Quy mô cắt giảm và tính chất của sứ mệnh kiến tạo hòa bình phụ thuộc vào khuôn khổ của đội quân đang hiện diện tại Mali, ở khu vực Sahel và về tổng thể cả dự kiến ở Syria, bên cạnh đó còn phụ thuộc vào nguyện vọng của các nước tham gia những giải pháp nhằm tăng cường bảo vệ thường dân thông qua các hoạt động gìn giữ hòa bình và sẵn sàng thể hiện trách nhiệm thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa binh thực tế”.

Ngoài ra, các tác giả của công trình nghiên cứu cũng cho rằng, việc tạm ngừng thực hiện thỏa thuận cấm sử dụng các loại đạn dược đặc chủng (bom dạng containers của không quân được lắp đặt những quả mìn hặc bom cỡ nhỏ có công năng khác nhau, hoặc các loại đạn pháo có đầu nổ thứ cấp, có thể phân chia thành nhiều đầu đạn trong khi bay, cho phép tăng diện tích vùng sát thương lên nhiều lần) đang gây lên những hậu quả nghiêm trọng. Đây cũng là hậu quả của việc những nước ủng hộ Công ước về bom - đạn đặc chủng năm 2008 đã không thuyết phục được các quốc gia mới tham gia công ước này. Một vài loại bom - đạn đặc chủng có thể phát nổ qua nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi được sử dụng, gây thương vong cho dân thường.

Trong công trình nghiên cứu được đệ trình cũng đưa ra thông tin về các cuộc xung đột vũ trang. Cuộc khủng hoảng kéo dài 2 năm ở Syria đã làm bộc lộ khoảng cách giữa những nguyên tắc Hiến chương Liên Hợp Quốc và những hành động thực tế, làm tê liệt mọi nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Trong bản báo cáo thường niên của SIPRI cũng có thông tin về việc buôn bán vũ khí, chi phí quân sự và bảng xếp hạng các nhà sản xuất vũ khí của thế giới.

Viện nghiên cứu các vấn đề thế giới Stockholm được thành lập năm 1966 như là một trung tâm phân tích độc lập chuyên nghiên cứu các cuộc xung đột, vấn đề vũ trang, kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị.

Đỗ Ngọc Inh (theo Vzgliad - Nga)

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG