Ngư dân Philippines bán tàu, chăn lợn vì...Trung Quốc

Một em bé nô đùa trên một chiếc tàu cá bị bỏ rơi trên bờ biển Philippines
Một em bé nô đùa trên một chiếc tàu cá bị bỏ rơi trên bờ biển Philippines
TPO - Bị tàu cá Trung Quốc chăng dây, xua đuổi khỏi ngư trường truyền thống, ngư dân Philippines chỉ còn cách bán thuyền, chuyển nghề để mưu sinh.
Một em bé nô đùa trên một chiếc tàu cá bị bỏ rơi trên bờ biển Philippines
Một em bé nô đùa trên một chiếc tàu cá bị bỏ rơi trên bờ biển Philippines.

Dọc bờ biển đảo Luzon, những đứa trẻ nghèo cầm búa hì hục nhổ trộm những chiếc đinh rỉ sét từ thân một con tàu cá bỏ không. Đây là một trong những hình ảnh quen thuộc của những làng chài bị Trung Quốc buộc phải từ bỏ kế sinh nhai bằng cách chiếm đoạt “thiên đường đánh bắt cá” quen thuộc kể từ năm ngoái.

Ngư dân Philippines cho biết, tàu hải giám Trung Quốc đã xua đuổi họ khỏi bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) ở Biển Đông rồi dùng dây thừng chăng kín lối vào, nơi ngư dân Philippines đánh cá nhiều thập kỉ nay. Thậm chí, khi có bão lớn trên biển, ngư dân cũng không thể trông cậy vào Trung Quốc để có nơi trú ẩn.

Một số ngư dân Philippines đã phải mạo hiểm tính mạng để thuyền lớn ẩn ở khoảng cách xa rồi dùng thuyền nhỏ đánh bắt cá lén lút ở những vùng biển tập trung rất nhiều những loài cá giá trị cao như cá ngừ vây vàng, cá ngừ vằn, cá ngừ đỏ, cá mú, cá marlin xanh và tôm hùm.

Tuy nhiên, nhiều ngư dân khác ở thị trấn Masinloc, tỉnh Zambales và Infanta thuộc tỉnh Pangasinan đã bán tàu của họ, hoặc để lại tàu “đắp chiếu” trên bờ biển, chuyển nghề khác như chăn nuôi lợn ở nhà.

Thương nhân Joey Legazpi đã phải bán gần hết số 12 chiếc tàu của mình bởi họ chủ yếu phụ thuộc vào ngư trường ở gần bãi cạn Scarborough/ Hoàng Nham trong khi khu vực này đã bị Trung Quốc cướp trắng. Hiện ông mở một cửa hàng thực phẩm nhỏ ở Infanta.

“Tất cả đã hết”, ông Legazpi nói. Ông thừa nhận lực lượng quân đội Philippines được trang bị quá nghèo nàn nên không phải là đối thủ của hải quân Trung Quốc. Ông nói thêm: "Chúng tôi đã mất hy vọng có thể đòi lại được Scarborough/Hoàng Nham".

Căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ

Trung Quốc liên tục thể hiện những hành động hung hăng trên Biển Đông, “đổ thêm” không quân, hải quân và các lực lượng bán quân sự vào khu vực tranh chấp, làm tăng nguy cơ về một cuộc xung đột quân sự.

Tàu hải giám Trung Quốc trên Biển Đông
Tàu hải giám Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo Inquirer, tàu hải giám Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough/ Hoàng Nham và chăng dây thừng vây kín lối vào eo biển sau 2 tháng căng thẳng vì đụng độ với tàu chiến của Philippines vào năm ngoái. Đây là khu vực gồm các bãi san hô và đá ngầm dài 230 km ở phía tây Zambales và nó nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, theo chính quyền Philippines. Trong khi nó nằm cách bờ biển gần nhất của Trung Quốc tới 870 km.

Không chỉ căng thẳng với Philippines, rất nhiều khu vực khác cũng chung hoàn cảnh. Tháng 3 vừa qua, dư luận quốc tế cũng dậy sóng vì tàu Trung Quốc bắn cháy cabin tàu Việt Nam khi tàu Việt Nam đang đánh bắt tại ngư trường truyền thống.

Hai tuần trước, lực lượng tuần duyên Philippines đã đụng độ với một tàu cá Đài Loan khiến một ngư dân Đài Loan thiệt mạng. Manila đã xin lỗi nhưng Đài Loan vẫn kiên quyết trả đũa bằng việc đóng băng các hợp đồng lao động của công dân Philippines, triệu hồi đại diện ngoại giao và cắt đứt các trao đổi thương mại.

Trung Quốc ngày càng cứng rắn

Ian Storey, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận định, các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đang tăng cường củng cố vị thế của họ để khẳng định chủ quyền thông qua luật pháp quốc gia hoặc trước Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên Bắc Kinh lại hoàn toàn khác. Trung Quốc trắng trợn tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông và chuỗi đảo ở biển Hoa Đông trong tranh chấp với Nhật Bản, đồng thời củng cố tuyên bố chủ quyển của mình bằng vũ lực và xua đuổi ngư dân các nước khác.

"Triển vọng về một giải pháp cho các cuộc tranh chấp ở Biển Đông là rất mờ mịt", theo ông Storey.

Một ngư dân Philippines sơn lại tàu cá của mình
Một ngư dân Philippines sơn lại tàu cá của mình.

Các ngư dân Philippines ở Masinloc và Infanta cho biết, tàu hải giám Trung Quốc đã liên tục xua đuổi và đẩy họ vào trò chơi “mèo vờn chuột” nguy hiểm.

Ông Desiree Edora, thị trưởng của Masinloc nói: "Những ngư dân của chúng tôi đã rất sợ hãi… Họ đâu có sức mạnh gì. Phía bên kia (Trung Quốc) được trang bị vũ khí quân sự, vì vậy ngư dân Philippines chỉ còn cách là bỏ chạy để thoát thân”.

Báo động vì tình hình căng thẳng trong khu vực thời gian gần đây, các nước Đông Nam Á đã tìm kiếm một giải pháp về ứng xử mang tính pháp lý để ràng buộc Trung Quốc, ngăn cản những hành vi hung hăng. Tuy nhiên cho đến nay Bắc Kinh vẫn “lờ” đi việc ngồi vào bàn đàm phán và thảo luận về những đề xuất.

Bị xua đuổi

Joynes Pursines, thuyền trưởng của tàu Queen Kim Urich cho biết, ông cùng các thủy thủ của mình bị tàu Trung Quốc đuổi tới ba lần khỏi Scarborough/ Hoàng Nham vào cuối năm ngoái. Một lần, tàu của ông đã bị hai tàu Trung Quốc ép sát và hú còi chói tai trong khi người Trung Quốc trên tàu liên tục vẫy cờ đỏ.

"Chúng tôi đã nghĩ rằng họ sẽ đánh chìm tàu của mình", thuyền trưởng nói. Nhưng những tàu Trung Quốc chỉ đuổi theo 5.5km rồi quay lại khi tàu của ông đã cách bãi cạn 18 km.

Ông Legazpi cho biết, tranh chấp trên bãi cạn này đã đẩy ngư dân Philippines vào thế nguy hiểm khi mùa bão biển về. Ngư dân không thể vào được vùng nước lặng an toàn của eo biển dẫn vào bãi Scarborough/ Hoàng Nham để tránh bão vì tàu hải giám Trung Quốc canh giữ gần đó.

Tàu cá Philippines nằm dài trên bờ biển
Tàu cá Philippines nằm dài trên bờ biển.

"Tại sao họ có thể làm thế trong khi luật hàng hải quốc tế đều quy định mọi ngư dân gặp nạn đều cần phải được giúp đỡ? …Các thủy thủ của tôi đã quyết định trở về nhà và rút ngắn chuyến đi. Không một ai muốn bị mất tích trên biển vì họ sẽ không có giấy chứng tử và gia đình họ sẽ không được hưởng chế độ gì hết”, ông Legazpi nói. Ông cho bieetss thêm bảy ngư dân của mình đã bị mất tích khi một trận bão quật vào bãi cạn vào năm 2005.

Hãng tin AP đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh về những tố cáo này của ngư dân Philippines nhưng không nhận được phản hồi. Các quan chức chính phủ Philippines đã liên tục phản đối việc Trung Quốc phong tỏa eo biển vào bãi cạn nhưng cũng không ăn thua.

Macario Forones, một chủ tàu ở Masinloc, hiện cũng phải nuôi lợn để trang trải cho cuộc sống. “Tôi từng có 60 thủy thủ nhưng họ đã bỏ đi hết rồi”, Macario Forones nói. Một lần, ông liều mình dùng thuyền nhỏ để vào Scarborough/ Hoàng Nham nhưng bị lính Trung Quốc phát hiện và xua đuổi.

Tuy nhiên ông Forones không bỏ cuộc. Ông đã cho tu sửa lại tàu của mình và hy vọng một ngày nào đó có thể trở lại ngư trường.

Con tàu mới được sơn trắng và vàng của ông đứng ngạo nghễ trên bờ biển Masinloc, bên cạnh những con tàu mục nát, bị bỏ rơi dưới ánh mặt trời.

Phan Yến
Theo Inquirer

Theo Dịch
MỚI - NÓNG
Những anh trai được cứu
Những anh trai được cứu
TPO - Bằng cách này hay cách khác, tất cả nghệ sĩ tham gia 2 show Anh trai đều được hưởng lợi. Có người được tận hưởng trở lại hào quang sau giai đoạn dài mất hút. Nhiều nghệ sĩ đã bứt lên phủ sóng mạng xã hội.