Trung Quốc lấy Biển Đông làm phép thử ngoại giao?

Trung Quốc lấy Biển Đông làm phép thử ngoại giao?
Một câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có thật sự xuống thang hay không trong vấn đề gây nhiều căng thẳng tại khu vực.

> Hé mở giải pháp quân sự của Mỹ trên Biển Đông
> Trung Quốc đề xuất đàm phán về soạn thảo COC

Ngày 2/5, trong chuyến công du vòng quanh Đông Nam Á, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bất ngờ đưa ra đề xuất đàm phán với ASEAN về bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc trên Biển Đông.

Liệu đây có phải là một bước xuống thang mới trong vấn đề Biển Đông hay chỉ là phép thử ngoại giao của Trung Quốc trước thách thức ASEAN đang ngày càng đạt được sự đồng thuận cao về vấn đề này?

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Vương Nghị kể từ khi nhậm chức Ngoại trưởng Trung Quốc hồi tháng 3 năm nay. Việc ông Vương Nghị chọn Đông Nam Á cũng là điều dễ hiểu khi mà nhiều vấn đề mấu chốt trong các chính sách ngoại giao của Trung Quốc đều nằm tại khu vực này.

Thứ nhất, đó là sự cạnh tranh của Trung Quốc với các chính sách hướng châu Á- Thái Bình Dương của các nước lớn như Mỹ, Nga, Ấn Độ, mà trong đó, ASEAN đang trở thành nòng cốt của cấu trúc khu vực này.

Trong vòng 2 năm trở lại đây, Mỹ ráo riết xây dựng một vành đai đồng minh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và không ít lần tuyên bố hướng trọng tâm chiến lược tại khu vực này.

Tổng thống Nga Putin cũng đã nhiều lần khẳng định châu Á - Thái Bình Dương là yếu tố quan trọng nhất đóng góp cho sự phát triển tương lai của Nga.

Và đương nhiên, những chính sách này có tác động rất lớn đến quan điểm đối ngoại của Trung Quốc, vốn không muốn kém cạnh với vai trò là nước có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Bởi sự gia tăng ảnh hưởng của Nga, Mỹ tại châu Á, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á đang có những đe dọa không ít đến lợi ích an ninh, kinh tế của Trung Quốc.

Đòn nghi binh?

Điều thứ 2 mà dư luận đều biết: Trong chuyến thăm này, Trung Quốc muốn tìm kiếm một tiếng nói chấp nhận trong ASEAN đối với tuyên bố của nước này trong vấn đề Biển Đông, hay nói khác đi là muốn “đánh lạc hướng” sự đồng thuận đang ngày càng mạnh mẽ của ASEAN trong các quan điểm có thể gây bất lợi cho Trung Quốc.

Lý do này không phải không có lý khi mà điểm đến của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị là những quốc gia có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông ít hơn nhưng lại có nhiều lợi ích hợp tác với Trung Quốc, đồng thời có tiếng nói quan trọng trong việc thống nhất chung lập trường của ASEAN.

Trung Quốc đã thể hiện rất rõ ý định này trong cuộc gặp với người đồng cấp Thái Lan ngày 2/5. Ông Vương Nghị dường như đang cố gắng tìm cách đánh lạc hướng sự chú ý, tập trung của ASEAN vào vấn đề Biển Đông vốn đang ngày càng căng thẳng khi nói với các nhà lãnh đạo Thái Lan rằng, nên xem tranh chấp Biển Đông như một vấn đề lịch sử quan trọng, và Trung Quốc cũng như ASEAN nên tập trung hơn vào việc tăng cường quan hệ "đối tác chiến lược".

Thậm chí, Ngoại trưởng Trung Quốc cũng không ngần ngại thẳng thắn với nước chủ nhà Thái Lan, quốc gia giữ vai trò điều phối viên ASEAN - Trung Quốc rằng nước này chỉ muốn "thương lượng tay đôi" với từng nước có tranh chấp ở Biển Đông thay vì đưa vấn đề ra ASEAN.

Đối với Indonesia, một quốc gia có tiếng nói cứng cỏi hơn về vấn đề Biển Đông, Trung Quốc lại tỏ ra “xuống thang” khi đặt vấn đề đàm phán với ASEAN về bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc trên Biển Đông.

Nhưng thực chất, theo các nhà quan sát, đề xuất đàm phán của Trung Quốc lần này không có điểm gì mới khi nước này khăng khăng tuyên bố “Trung Quốc sẽ không bao giờ thay đổi quan điểm về vấn đề Biển Đông”.

Để thể hiện “nói đi đôi với làm”, trong khi chuyến thăm vẫn chưa kết thúc cho đến chủ nhật tuần này (5/5), Trung Quốc vẫn tiếp tục tổ chức tour du lịch ra đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trung Quốc cho biết đây chỉ là chuyến du lịch bình thường tại “một hòn đảo trên Biển Đông”, nhưng sự kiện này là một hành động xâm phạm trắng trợn đối với chủ quyền quốc gia Việt Nam, một thành viên của ASEAN.

Trong bối cảnh đó, dư luận sẽ tiếp tục đặt ra một câu hỏi đầy hoài nghi liệu khi nào Trung Quốc mới thực sự muốn đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc về pháp lý trên Biển Đông và khi nào thì bộ quy tắc đó có thể đạt được.

Còn đối với ASEAN, thời hạn hình thành một cộng đồng thống nhất vào năm 2015 không còn xa, chắc chắn vấn đề Biển Đông, vốn rất quan trọng đối với các quốc gia thành viên, sẽ không thể loại trừ ra khỏi các chính sách phát triển của khối. Và ASEAN sẽ sớm đưa ra những quan điểm của mình tại kỳ họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao vào cuối tháng 6 tới đây ở Brunei.

Theo Thu Hiền
VOV

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG