Chiến tranh Triều Tiên 2013: Viễn cảnh đáng sợ

Chiến tranh Triều Tiên 2013: Viễn cảnh đáng sợ
TP - Nếu những tuyên bố gây hấn của CHDCND Triều Tiên cuối tuần qua thành hiện thực, những giờ đầu của cuộc chiến liên Triều sẽ rất đáng sợ, các nhà phân tích nhận định.

> 'Bóng ma' B-2 làm Triều Tiên nổi giận
> Triều Tiên tuyên bố tình trạng chiến tranh

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát phân đội pháo binh tầm xa thuộc Đơn vị 641. Ảnh: KCNA
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát phân đội pháo binh tầm xa thuộc Đơn vị 641. Ảnh: KCNA.

Các nhà phân tích quốc phòng đang lo ngại rằng, nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên, Đại tướng Kim Jong-un, có thể có những động thái thiếu thận trọng, thậm chí gây ra một cuộc chiến Triều Tiên mới.

Tung biệt kích hay nã pháo vào Seoul?

Ngày 30/3, Triều Tiên tuyên bố quan hệ liên Triều đã rơi vào tình trạng chiến tranh; mọi vấn đề xuyên biên giới sẽ được giải quyết theo nguyên tắc thời chiến. Hôm 29/3, ông Kim Jong-un ra lệnh cho các lực lượng tên lửa chuẩn bị tấn công Mỹ và Hàn Quốc.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố quân đội Mỹ “sẽ kiên quyết phòng vệ và kiên quyết thực hiện cam kết liên minh với Hàn Quốc”.

Cuối tuần qua, một số cựu thành viên lực lượng chiến dịch đặc biệt của Mỹ và các nhà phân tích quốc phòng kỳ cựu của Hàn Quốc dự đoán phản ứng “kiên quyết” của quân đội Mỹ sẽ là như thế nào, trong trường hợp Triều Tiên tổ chức đợt tấn công chết người đầu tiên nhằm vào Mỹ hoặc các lực lượng quân sự liên minh.

Theo họ, đó có thể là sự xâm nhập quy mô nhỏ của các tàu ngầm mini (Mỹ và Hàn Quốc cho rằng một tàu ngầm mini của Triều Tiên ngày 26/3/2010 dùng ngư lôi đánh đắm tàu hộ tống Cheonan của Hàn Quốc, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng). Có thể là nỗ lực ám sát một số nhân vật quan trọng của Hàn Quốc.

“Cũng có thể là bắn vào ai đó ở khu phi quân sự ở biên giới liên Triều hoặc bắn thử tên lửa cho nó bay gần Nhật Bản”, TS Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương của Trung tâm An ninh Mỹ mới (Mỹ), dự đoán.

Các đơn vị quân đội Triều Tiên (có nhiệm vụ tấn công hai đảo Daeyeonpyeong và Baengnyeong của Hàn Quốc) tập trận bắn đạn thật. Ảnh: KCNA
Các đơn vị quân đội Triều Tiên (có nhiệm vụ tấn công hai đảo Daeyeonpyeong và Baengnyeong của Hàn Quốc) tập trận bắn đạn thật. Ảnh: KCNA.

Triều Tiên có thể làm như vậy “để thể hiện ông ấy (nhà lãnh đạo Kim Jong-un) là người đứng đầu, ông ấy không thể bị kẻ khác hăm dọa hoặc bởi vì ông ấy thực sự hết hy vọng”, TS Cronin nói. Liệu ông Kim sẽ làm “điều gì đó khác thường hơn”, khiến quân đội Mỹ và Hàn Quốc phản ứng quyết liệt hơn? - TS Cronin nêu vấn đề.

Một trong những viễn cảnh khiến hầu hết nhà phân tích quốc phòng Mỹ lo ngại là khoảng 500.000-700.000 loạt đạn pháo của Triều Tiên bắn về phía thủ đô Seoul của Hàn Quốc, tướng về hưu Russell Howard, nguyên tư lệnh Nhóm Lực lượng đặc biệt số 1 (Mỹ), đơn vị có trọng tâm hoạt động ở châu Á, nói.

Triều Tiên cần nâng cấp kho vũ khí hạt nhân cả về số lượng và chất lượng để đối phó mối đe dọa từ Mỹ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un phát biểu tại phiên họp toàn thể của Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên ngày 31/3. Ngoài ra, Triều Tiên sẽ phát triển ngành năng lượng hạt nhân để tăng sản lượng điện và phóng thêm nhiều vệ tinh… Hôm qua, Triều Tiên cảnh báo, nếu chiến tranh bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên, nước này sẽ tấn công các căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản.

Nếu ông Kim Jong-un quyết định mở đầu bằng màn pháo kích thì “trong những giờ đầu tiên của cuộc xung đột, mọi thứ sẽ rất đáng sợ”, tướng về hưu Howard, nay là Giám đốc Chương trình Giáo dục, Nghiên cứu và Khủng bố của Viện Nghiên cứu Quốc tế Monterey, nhận định.

Cùng lúc, Triều Tiên có thể tập hợp lực lượng đông đảo gồm 600.000 lính đặc công, với “mục đích duy nhất là thâm nhập Hàn Quốc và tàn phá”, ông Howard nói. Mục tiêu thực tế của quân đội Triều Tiên có thể là cho khoảng 150.000 quân vượt biên giới, rồi “tấn công cơ sở hạ tầng” như hệ thống giao thông và liên lạc.

Đội quân xâm nhập này có khả năng đi kèm làn sóng lánh nạn của dân Triều Tiên, ước tính 3,5-4 triệu người sẽ chạy sang Trung Quốc và 2,5 triệu người vào Hàn Quốc.

“Sẽ có một thảm họa con người mà chúng ta chưa bao giờ trải qua. Sẽ có rất nhiều người tị nạn. Lúc đó, nỗ lực tách dân thường khỏi chiến trường thực sự là cơn ác mộng”, ông Howard nhận định.

Các đơn vị quân sự chính quy của Triều Tiên có thể cố gắng tràn qua biên giới “với khí thế ngút trời trong những giây phút đầu tiên của cuộc chiến. Nhưng theo tôi, khi đạn dược, lương thực cạn dần và bị phản công, họ có thể bắt đầu tan rã ngay trong tuần đầu tiên”, ông Howard nói.

Một số nhà phân tích cho rằng, binh sĩ Triều Tiên không được ăn uống tử tế, vì từng có chuyện lương thực cứu trợ cho người dân nước này bị chuyển cho quân đội, nhưng không có chuyện đó dưới thời ông Kim, tướng về hưu Howard nói.

Đáp trả bằng B-2 và B-52

Khi Triều Tiên bắt đầu cuộc chiến bằng các loạt đạn pháo, quân đội Mỹ sẽ lập tức đáp trả bằng sức mạnh không quân, theo ông Howard.

Mỹ sẽ sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 có độ tấn công chính xác cao và máy bay ném bom B-52 để cày nát lực lượng pháo binh cùng các hệ thống chỉ huy kiểm soát trọng yếu của Triều Tiên.

Máy bay B-2 có thể thả siêu bom phá boong-ke nặng hơn 13,6 tấn (loại bom truyền thống lớn nhất của Không lực Mỹ), đủ mạnh để phá tan mạng lưới hầm ngầm quân sự của Triều Tiên.

Nhưng trong khi quân đội Mỹ vô hiệu hóa các hệ thống chỉ huy kiểm soát trọng yếu của Triều Tiên, nước này vẫn có khả năng tấn công Seoul, thành phố 20 triệu dân, với vũ khí hóa học và đạn pháo, ông Victor Cha, cựu quan chức Nhà Trắng, hiện là giám đốc bộ phận về các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (Mỹ), nhận định.

Ông Cha nói: “Chúng ta sẽ phản công, nhưng họ có thể bắn hàng nghìn loạt đạn pháo trước, trước khi chúng ta có thể vô hiệu hóa. Đó sẽ luôn là một trong các vấn đề đau đầu”. Theo ông, dù quân đội Triều Tiên có thể không thực sự hùng mạnh hoặc đa dạng, họ “vẫn có thể gây những tổn hại khủng khiếp”.

Một trong những trọng tâm của quân đội Mỹ và Hàn Quốc có thể là các chiến dịch tâm lý, tập trung vào việc cố gắng “thuyết phục công chúng Triều Tiên không tin vào các chương trình tuyên truyền của chính quyền mà họ đã, đang và sẽ nghe cả đời mình”, ông Cha nói. Theo ông, đây sẽ không phải là chiến công nhỏ, vì có nhiều thường dân đói kém, không ít lính muốn đào ngũ.

Có lẽ nhiệm vụ khó khăn nhất thuộc về các lực lượng chiến dịch đặc biệt Mỹ, tướng về hưu Howard nói. Nhiều khả năng, họ sẽ được triển khai với nhiệm vụ khẩn là tìm kiếm, thu giữ vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên.

Bình Giang
Theo Christian Science Monitor, Yonhap, AP

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG