Mỹ - Hàn ký kế hoạch đối phó Triều Tiên

Mỹ - Hàn ký kế hoạch đối phó Triều Tiên
TP - Ngày 24/3, quân đội Hàn Quốc và Mỹ tuyên bố họ đã ký kế hoạch hành động chung mới, nêu chi tiết cách đối phó sự khiêu khích của CHDCND Triều Tiên, theo đó Mỹ có thể tấn công lãnh thổ Triều Tiên.

> Triều Tiên lên kế hoạch 'đả bại' Hàn Quốc trong 3 ngày
> Mỹ điều động tàu ngầm hạt nhân tới bán đảo Triều Tiên

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xem các binh sĩ của mình tập thao tác với súng trường hôm 23/3. Nguồn: Yonhap
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xem các binh sĩ của mình tập thao tác với súng trường hôm 23/3. Nguồn: Yonhap.

Kế hoạch phối hợp chống gây hấn được Tướng Jung Seung-jo, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Hàn Quốc và Tướng James Thurman, Tư lệnh Bộ Chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, ký ngày 22/3 và có hiệu lực ngay lập tức.

“Qua việc ký kết, thực hiện kế hoạch này, chúng tôi nâng cao khả năng sẵn sàng phối hợp, cho phép chúng tôi ngay lập tức phản ứng một cách dứt khoát đối với bất kỳ sự khiêu khích nào của Triều Tiên”, Bộ Chỉ huy lực lượng hỗn hợp tuyên bố hôm qua.

Seoul đối phó trước, Washington chi viện sau

Tướng Jung Seung-jo nói rằng, các mối nguy cơ quân sự đến từ Triều Tiên là có thực. “Chúng tôi sẵn sàng trả đũa một cách cứng rắn đối với các hành động gây hấn của Triều Tiên. Kế hoạch mới cho phép các lực lượng Hàn Quốc và Mỹ ứng phó một cách mạnh mẽ hơn thời kỳ hai bên có những kế hoạch riêng rẽ”, ông Jung tuyên bố.

Theo kế hoạch mới, quân đội Hàn Quốc đóng vai trò chủ động hơn trong việc áp dụng biện pháp phản công nhằm vào “nguồn gốc gây hấn của Triều Tiên và các lực lượng xung quanh trong giai đoạn đầu tiên”, giới chức quân sự Hàn Quốc cho biết.

Nếu sự khiêu khích của Triều Tiên leo thang, Mỹ sẽ cung ứng quân tiếp viện từ trong và ngoài lãnh thổ Hàn Quốc, trong đó có Nhật Bản và những nước khác trong khu vực dưới quyền Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ.

Khoảng 28.500 quân nhân Mỹ đang đồn trú ở Hàn Quốc - di sản của Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Chiến tranh chấm dứt với một hiệp định đình chiến (không phải hiệp định hòa bình) được ký kết giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Trước đây, các lực lượng của Hàn Quốc hoàn toàn phụ trách hành động chống lại sự gây hấn của Triều Tiên, trong khi quân đội Mỹ chỉ trợ giúp Hàn Quốc khi chiến tranh tổng lực bùng nổ, các quan chức quân sự Hàn Quốc nói.

“Với kế hoạch hoạt động mới, quân đội Hàn Quốc sẽ tấn công nguồn gốc gây hấn của kẻ thù cùng các lực lượng hỗ trợ và chỉ huy. Tùy thuộc loại hình khiêu khích và hoàn cảnh hoạt động, Mỹ có thể dùng vũ khí của mình tấn công lãnh thổ Triều Tiên”, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói.

Sau khi hứng chịu hai vụ tấn công chết người năm 2010, Hàn Quốc tuyên bố, vì mục đích tự vệ, sẽ không do dự phản công bất kỳ cuộc tấn công nào.

Năm 2010, Hàn Quốc và Mỹ khởi thảo kế hoạch tham vấn và hành động cho phép lực lượng hỗn hợp Hàn-Mỹ ứng phó nguy cơ, sự gây hấn của Triều Tiên, theo một cách mạnh mẽ, kiên quyết.

Đặc nhiệm hải quân Mỹ tham gia tập trận “Đại bàng non” ở cảng Jinhae của Hàn Quốc năm 2012. Ảnh: Aaron Rognstad
Đặc nhiệm hải quân Mỹ tham gia tập trận “Đại bàng non” ở cảng Jinhae của Hàn Quốc năm 2012. Ảnh: Aaron Rognstad .

Năm 2010, tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị ngư lôi đánh chìm và sau đó đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc trên Hoàng Hải bị Triều Tiên pháo kích. Trong hai sự kiện này, tổng cộng 50 người Hàn Quốc, trong đó có 48 binh sĩ, thiệt mạng. Seoul luôn cáo buộc Bình Nhưỡng là thủ phạm vụ đánh ngư lôi.

Nhu cầu tăng cường hợp tác quân sự giữa Hàn Quốc và Mỹ lên một mức mới, trong bối cảnh gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, sau một loạt hành động khiêu khích của Triều Tiên như thử tên lửa, thử hạt nhân, hủy hiệp định đình chiến… Những ngày gần đây, Bình Nhưỡng liên tục dọa dìm Hàn Quốc và Mỹ trong biển lửa vì đã tập trận chung quy mô lớn, tích cực ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về trừng phạt Triều Tiên.

Sẵn sàng thúc đẩy trao đổi liên Triều

Chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye sẽ có thêm nhiều dự án hỗ trợ và trao đổi với Triều Tiên nếu nước láng giềng cố gắng tuân thủ các quy định quốc tế, một quan chức cấp cao của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nói ngày 24/3.

“Việc hỗ trợ Triều Tiên và các chương trình trao đổi liên Triều đa dạng sẽ được mở rộng, với điều kiện Triều Tiên hợp tác với các nỗ lực hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, bằng cách kiềm chế gây hấn và gia nhập cộng đồng quốc tế”, vị quan chức nói.

 Tùy thuộc loại hình khiêu khích và hoàn cảnh hoạt động, Mỹ có thể dùng vũ khí của mình tấn công lãnh thổ Triều Tiên” - một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.

Vị quan chức nói rằng, “tiến trình tin tưởng trên bán đảo Triều Tiên” của Tổng thống Park sẽ khác với thời cựu Tổng thống Lee Myung-bak. Chủ trương của bà Park là tăng cường trao đổi và đối thoại giữa hai bên để xây dựng lòng tin và giảm căng thẳng dọc biên giới; “các sự kiện chính trị không làm đình chỉ hoàn toàn sự trợ giúp nhân đạo và các chương trình giao lưu liên Triều”, vị quan chức khẳng định.

Một lô thuốc chữa bệnh lao của một tổ chức từ thiện tư nhân của Hàn Quốc mới đây được chuyển cho Triều Tiên. Đây là gói cứu trợ đầu tiên dưới thời bà Park.

Tuy nhiên, căng thẳng xuyên biên giới vẫn gia tăng. Ngày 24/3, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 23/3 thị sát tiểu đoàn thứ hai thuộc Đơn vị 1973, sau khi thăm tiểu đoàn thứ nhất một ngày trước đó.

Đơn vị 1973 đóng quân ở tỉnh Pyeongan được cho là có nhiệm vụ xâm nhập Hàn Quốc, làm gián đoạn hoạt động của thủ đô Seoul và các khu vực trọng yếu.

Trong chuyến thị sát các tiểu đoàn của đơn vị đặc biệt 1973, ông Kim chỉ thị: Đơn vị phải “biết rõ mục tiêu quân sự của kẻ thù và đặc điểm của chúng”, để tấn công chúng “trong trường hợp khẩn cấp”.

Thái An
Theo Yonhap,AP, Xinhua

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG