> Biển Đông không dành cho kẻ thiếu can đảm
> Vinh danh họa sỹ vẽ cờ Tổ quốc ở Trường Sa lớn
Mới đây, báo Christian Science Monitor của Mỹ có bài viết về anh Trần Đình Thắng, người sưu tầm bản đồ cổ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Tạp chí này cho biết anh có lòng đam mê với mọi thứ thuộc về Việt Nam, đặc biệt là những tấm bản đồ cổ.
Năm 1995, anh Trần Đình Thắng mời một chuyên gia về nhạc dân tộc Việt Nam tham gia một buổi nói chuyện tại trường Đại học Connecticut (UConn). Mùa hè năm ấy, giáo sư Trần Văn Khê, người giảng dạy ở Đại học Sorbonne, Paris, Pháp cũng tới thăm trường Uconn.
Cuộc nói chuyện này trở thành một phần lịch sử của Uconn. Buổi nói chuyện thu hút 300 khán giả.
Anh Thắng nhận ra rằng cuộc gặp với một biểu tượng văn hóa Việt Nam đã làm dấy lên tình yêu đất nước.
“Cuộc nói chuyện của giáo sư Khê cho tôi sức mạnh nội tại để theo đuổi các cuộc trao đổi văn hóa”, anh Thắng nói.
Giờ đây, ngoài tình yêu tất cả những thứ thuộc về Việt Nam, anh Thắng còn một niềm đam mê khác, đó là sưu tầm bản đồ cổ mà theo tạp chí Christian Science Monitor tất cả những thứ đó có thể trở thành trung tâm của cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Anh sưu tầm được 150 bản đồ và 3 atlat cổ của Trung Quốc. Tất cả chúng đều cho thấy quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông chưa bao giờ thuộc lãnh thổ Trung Quốc như nước này tuyên bố, mà thuộc về Việt Nam.
Các chuyên gia về Biển Đông nói rằng nếu tranh chấp về hai quần đảo này được đưa ra Tòa án Quốc tế, bộ sưu tập bản đồ của anh Thắng có thể được sử dụng như những bằng chứng lịch sử bác bỏ tuyên bố vô lý của Trung Quốc.
Anh Thắng nói: “Là một người Việt Nam, tôi có nghĩa vụ bảo vệ đất nước tôi”. Anh cho biết thêm rằng anh thường tìm cách biến những cảm hứng thành hành động “bất kể lúc đó là ngày hay đêm”.
Anh Thắng hiện sống cùng bố mẹ ở Tây Hartford, Connecticut. Sau khi định cư ở đây, anh tiếp tục học cơ khí ở Uconn. Sau đó, anh nhận được bằng đại học thứ hai về kỹ thuật và quản lý và làm việc cho hãng tàu ngầm nguyên tử Electric Boat. Hiện tại, anh làm việc cho nhà sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney.
Vào một buổi tối vào tháng 7 năm ngoái, khi đọc tin tức về Việt Nam. Đôi mắt anh bắt gặp dòng tựa đề: “Bản đồ cổ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”. Anh đọc nghiến ngấu bài viết. Một ý tưởng thoáng qua trong đầu anh. Anh lên trang mua bán trực tuyến eBay và gõ từ khóa như “bản đồ Trung Quốc”, ‘bản đồ Ấn Độ” và “đảo Hải Nam”.
Anh Thắng nói: “Câu chuyện một nhà nghiên cứu ở Việt Nam tìm thấy và đem tặng tấm bản đồ năm 1904 của Trung Quốc do người Trung Quốc dưới thời nhà Thanh từ thế kỉ 18 đến 19 vẽ làm cho tôi nảy lên ý tưởng tìm kiếm bản đồ Trung Quốc do các nước phương Tây xuất bản. Các ấn phẩm của phương Tây thường dựa trên cơ sở khoa học, vì vậy tôi nghĩ rằng những tấm bản đồ cổ này có thể là bằng chứng khoa học chứng minh chủ quyền của Việt Nam”.
Kể từ đó, anh Thắng tiếp tục công việc tìm kiếm trực tuyến của mình, anh liên hệ với các nhà sử học, tham khảo ý kiến các chuyên gia về vấn đề Biển Đông từ khắp nước Mỹ tới Việt Nam. Bộ sưu tập của anh đã tăng đến con số 150 bản đồ và 3 atlat. Tất cả những bản đồ cổ này được xuất bản ở Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Scotland, Úc, Ấn Độ, Trung Quốc từ năm 1626 tới 1980.
“80 bản đồ và 3 atlat chỉ ra rằng cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, 50 bản đồ cho thấy quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam”, theo anh Thắng.
Tiến sỹ Trần Đức Anh Sơn, Viện phó Viện Phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng khẳng định: “Những phát hiện của anh Thắng đã cung cấp cho chúng tôi những bằng chứng khoa học và lịch sử để chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, bác bỏ tuyên bố chủ quyền vô căn cứ của Trung Quốc trên hai quần đảo này”.
Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự của trường Đại học New South Wales ở Úc và là một chuyên gia về Biển Đông cũng cho rằng bộ sưu tập của anh Thắng cho thấy sự mâu thuẫn trong tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc đối với hai quần đảo.
Sống ở Mỹ nhưng trái tim ở Việt Nam
Năm 1996, cùng với bạn bè, anh Thắng lập tờ tạp chí Nhịp Sống, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết về văn hóa Việt Nam. Tạp chí thường niên 124 trang mô tả lịch sử, xã hội, văn học, nghệ thuật của Việt Nam là sự đóng góp chuyên môn của nhiều học giả và nghệ sỹ Việt Nam tại Mỹ và các nước khác. Tạp chí của anh được nhiều người Mỹ gốc Việt biết đến.
Năm 2000, anh Thắng thúc đẩy giao lưu văn hóa của mình tiến thêm một bước mới. Được hỗ trợ bởi một số học giả nổi tiếng người việt ở nước ngoài, trong đó có giáo sư Khê, anh thành lập Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam (IVCE). Bên cạnh chương trình văn hóa, tổ chức phi lợi nhuận này thường xuyên tới Việt Nam tổ chức các cuộc hội thảo về việc làm thế nào hỗ trợ và thúc đẩy trao đổi sinh viên giữa Mỹ và Việt Nam.
Anh Thắng nói: “Chúng tôi tin rằng cơ hội học tập tại nước ngoài sẽ mang lại cho sinh viên Việt Nam những ý tưởng và tư duy mới từ những trường đại học ở Mỹ, điều này có đóng góp to lớn cho sự phát triển của Việt Nam”.
“Anh ấy sống ở Mỹ nhưng trái tim lại ở Việt Nam”, diễn viên Hồng Anh, nhà sản xuất phim ở Việt Nam từng tham gia cùng anh Thắng trong chuyến đi tới tới các trường đại học ở đông bắc Mỹ.
Anh Thắng cho biết anh rất vui mừng khi anh trao tặng bộ sưu tập bản đồ cổ về Hoàng Sa và Trường Sa cho Viện Phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng. Anh nói: “Tôi có nghĩa vụ làm việc vì đất nước của tôi. Đó là sứ mệnh cả đời tôi”.
Phan Yến
Theo Christian Science Monitor