Hành động gây hấn mới của Bắc Kinh

Hành động gây hấn mới của Bắc Kinh
Trong khi vụ hộ chiếu đường lưỡi bò vẫn đang bị lên án thì Trung Quốc tiếp tục có thêm một hành vi gây hấn mới. Dư luận đang lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ hành động của Trung Quốc đòi kiểm soát tàu bè nước ngoài, xâm phạm tự do hàng hải trên biển Đông.

Trung Quốc ngang ngược đòi kiểm soát biển Đông:

Hành động gây hấn mới của Bắc Kinh

> Trung Quốc làm đứt cáp tàu Bình Minh 02: Chuyên gia quốc tế nói gì
> Người Trung Quốc, Nhật Bản phản đối hộ chiếu có 'đường lưỡi bò'
> Indonesia ảo tưởng trong giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc

Trong khi vụ hộ chiếu đường lưỡi bò vẫn đang bị lên án thì Trung Quốc tiếp tục có thêm một hành vi gây hấn mới. Dư luận đang lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ hành động của Trung Quốc đòi kiểm soát tàu bè nước ngoài, xâm phạm tự do hàng hải trên biển Đông.

Người Philippines biểu tình phản đối hộ chiếu đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Manila hôm 29-11. Ảnh: Reuters
Người Philippines biểu tình phản đối hộ chiếu đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Manila hôm 29-11. Ảnh: Reuters.

Diễn biến của hành động gây hấn này như sau:

- Ngày 29-11, Nhật Báo Trung Quốc và Tân Hoa xã đưa tin từ ngày 1-1-2013, cảnh sát biên phòng tỉnh Hải Nam sẽ có quyền kiểm tra, bắt giữ và trục xuất bất kỳ thuyền bè nước nào “xâm nhập trái phép các vùng biển do chính quyền Hải Nam quản lý”.

Hành vi ngạo ngược

- Ngày 27-11, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Nam thông qua “điều lệ quản lý trị an biên phòng duyên hải Hải Nam”. “Điều lệ” tự vẽ này trao quyền cho cảnh sát biên phòng Hải Nam khống chế tàu nước ngoài khi các tàu này “thả neo bất hợp pháp trên vùng lãnh hải thuộc quyền quản lý của tỉnh Hải Nam” và “đổ bộ bất hợp pháp lên các đảo thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh Hải Nam”.

Phía công an Trung Quốc có quyền buộc các tàu nước ngoài phải thay đổi hải trình hoặc tịch thu thuyền bè và các thiết bị hàng hải. Ngoài ra, các cơ quan công an biên phòng Trung Quốc cũng sẽ xây dựng thêm các trạm biên phòng, tuần tra các đảo và vùng biển thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”, trên thực tế là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời giáo sư Lý Triệu Kiệt thuộc ĐH Thanh Hoa ngạo ngược tuyên bố: “Các điều lệ này giúp cảnh sát biên giới Trung Quốc có căn cứ pháp lý để thực hiện các biện pháp bảo vệ chủ quyền biển”.

Nhật Báo Trung Quốc dẫn lời một quan chức giấu tên thuộc Cơ quan hải giám Trung Quốc tiết lộ trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều tàu tuần tra mới được biên chế vào hạm đội Nam Hải nhằm tăng cường tuần tra ở biển Đông. Khi thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam hồi tháng 7-2012, bất chấp phản ứng của các nước trong khu vực, chính quyền Bắc Kinh đã ngang nhiên tuyên bố “Tam Sa” sẽ quản lý toàn bộ các đảo và vùng nước trên biển Đông.

“Thành phố Tam Sa” có tổng hành dinh đặt trên đảo Phú Lâm, đảo chính của quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Mà “Tam Sa” lại thuộc quyền quản lý của tỉnh Hải Nam. Như vậy với động thái mới này, rõ ràng chính quyền Trung Quốc đang bật đèn xanh cho cảnh sát biên phòng Hải Nam gây rối, xâm phạm tự do hàng hải trên toàn bộ khu vực biển Đông.

- Chiều 29-11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng xác nhận thông tin trên và lớn tiếng tuyên bố: “Một quốc gia độc lập có quyền thực hiện các biện pháp quản lý hàng hải”.

- Ngày 1-12, ông Ngô Sĩ Tồn, chủ nhiệm Văn phòng các vấn đề nước ngoài tỉnh Hải Nam, đồng thời là viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải Nam Trung Quốc thuộc chính quyền tỉnh Hải Nam, đã nêu rất rõ ràng khi trả lời báo New York Times (Mỹ): “Quy định mới được áp dụng cho tất cả các đảo và vùng biển ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông). Chúng bao gồm các đảo mà một số nước, trong đó có Việt Nam và Philippines, đòi chủ quyền. Có nghĩa là toàn bộ vùng biển đảo nằm trong đường chín đoạn”. Ông Ngô Sĩ Tồn còn trắng trợn khẳng định mục tiêu của các quy định mới này là để đối phó với “các tàu đánh cá bất hợp pháp của Việt Nam”.

Như vậy, không còn gì là chưa rõ hay mập mờ về phạm vi kiểm soát của Trung Quốc trên biển Đông đối với tàu bè nước ngoài cũng như ý đồ nguy hiểm và hành động xâm phạm tự do hàng hải của Bắc Kinh nữa.

Mối đe dọa cho tất cả các nước

Hành vi gây hấn mới này của Trung Quốc đã lập tức bị cộng đồng quốc tế chỉ trích dữ dội. Ngày 30-11, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan mô tả quy định mới của Trung Quốc là “một hành vi leo thang căng thẳng và là một diễn biến cực kỳ nghiêm trọng”. “Rõ ràng động thái của Trung Quốc gây lo ngại và hoang mang đối với tất cả các bên, đặc biệt là các bên cần tự do hàng hải trên biển Đông”.

Ông Pitsuwan cảnh báo: “Vấn đề là bạn có thể đòi chủ quyền, đưa ra các biện pháp và chính sách. Nhưng luôn có nguy cơ hiểu lầm, tính toán sai lầm dẫn tới tình trạng căng thẳng lớn và các vụ đụng độ”.

Theo trang web Bộ Ngoại giao Mỹ (State.org), ngày 2-12 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết Washington sẽ đòi Trung Quốc phải giải thích rõ ràng về thông tin sẽ bắt giữ và trục xuất thuyền bè nước ngoài trên biển Đông của tỉnh Hải Nam. “Chúng tôi muốn hiểu rõ ý đồ của họ” - bà Nuland nhấn mạnh. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi: “Các bên có liên quan nên tránh thực hiện hành vi khiêu khích đơn phương, gây căng thẳng”.

Trên tạp chí Foreign Policy, chuyên gia an ninh châu Á Michael Auslin thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ đặt câu hỏi: “Phải chăng Trung Quốc muốn phát động chiến tranh?”. Theo ông, chính quyền Mỹ cần khẳng định mạnh mẽ rằng Trung Quốc không có quyền đe dọa tự do hàng hải trên biển Đông và hải quân Mỹ sẽ can thiệp bằng sức mạnh nếu tàu Trung Quốc quấy rối tàu các nước trên biển Đông.

Bộ Ngoại giao Philippines, như báo Daily Inquirer cho biết, lên tiếng khẳng định kế hoạch của Trung Quốc là “bất hợp pháp và là hành vi xâm phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), cản trở tự do hàng hải và thương mại hợp pháp”. “Hành động của Trung Quốc đã chứng minh quan điểm của Philippines khi cho rằng việc Trung Quốc đòi chủ quyền toàn bộ biển Đông không chỉ là một đòi hỏi quá đáng mà còn là mối đe dọa với tất cả các nước” - Bộ Ngoại giao Philippines nêu rõ và nhấn mạnh cả thế giới cần phải lên án Trung Quốc.

Thái Lan cũng bày tỏ quan ngại khi nêu rõ “Thái Lan không muốn tình hình ngày càng xấu hơn và chúng tôi muốn ASEAN và Trung Quốc tiếp tục đàm phán” như tuyên bố của ông Arthayudh Srisamoot, tổng giám đốc bộ phận ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Thái Lan. Xã luận báo The Nation ngày 3-12 đã khẳng định hành vi leo thang căng thẳng trên biển Đông của Trung Quốc chỉ hủy hoại hình ảnh của nước này.

Hành vi bất hợp pháp

Trả lời phỏng vấn PV, tiến sĩ Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS, Singapore) nhận định nếu cảnh sát biên phòng Hải Nam chỉ thực hiện các biện pháp trên trong khu đặc quyền kinh tế (EEZ) tỉnh Hải Nam thì sẽ không có vấn đề gì. Nhưng nếu điều lệ mới của Trung Quốc được áp dụng bên ngoài EEZ, căng thẳng trên biển Đông sẽ tăng vọt. Ông Storey nhận định đây lại là một bước đi mới của Trung Quốc với ý đồ “khẳng định chủ quyền” trên biển Đông theo bản đồ đường lưỡi bò bất hợp pháp.

Chuyên gia David Koh (ISEAS) cũng cho rằng không gọi hành động này là một “bước đi mới”, mà là gia tăng chính sách “bên miệng hố chiến tranh”. Căng thẳng sẽ chắc chắn tăng cao. Để đối phó, các nước khác cần phải có lối tiếp cận nhiều mặt, trong số đó có dựa vào luật pháp quốc tế, kiện lên Liên Hiệp Quốc cũng như lên các cơ quan quốc tế liên quan. Trước khi có các hành động đó, các nước trong khu vực cần phải yêu cầu Trung Quốc làm rõ những ý định của họ.

Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc cho rằng nếu Trung Quốc áp dụng các biện pháp trên ngoài phạm vi lãnh hải đảo Hải Nam thì đó sẽ là hành vi gây hấn nghiêm trọng, hoàn toàn trái ngược với tinh thần DOC. Theo ông, đây cũng là phép thử nữa để Trung Quốc áp dụng chiêu thức bất hợp pháp này trên toàn bộ biển Đông và cả biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc đang tranh chấp quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) của Nhật.

Nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy cho rằng đây là một bước để Trung Quốc vừa tạo “thế đã rồi”, vừa xem phản ứng của các nước liên quan, của thế giới. “Chúng ta cần có sự chuẩn bị, tăng cường lực lượng bảo vệ cho ngư dân đi đánh bắt hải sản ở vùng biển của Việt Nam. Trung Quốc cũng không có đủ sức bắt hết tàu của ta, và họ cũng không thể để thế giới cô lập. Sau sự kiện Thiên An Môn, việc bị phương Tây cấm vận là bài học đau đớn mà đến nay Trung Quốc vẫn sợ”.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG