Cuba và chính sách “cập nhật hóa” mô hình kinh tế

Cuba và chính sách “cập nhật hóa” mô hình kinh tế
TP - Sau khi Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Cuba đưa ra mô hình phát triển kinh tế mới, Cuba đang thay đổi nhanh chóng. Các cửa hàng, cửa hiệu mở ra khắp nơi, hàng hóa phong phú, ôtô đẹp xuất hiện nhiều hơn.

> Trọng tâm chuyến công du Trung Quốc và Việt Nam của Chủ tịch Cuba

Một góc thủ đô Cuba
Một góc thủ đô Cuba.

Quyết sách quan trọng

Sau Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Cuba (từ 16-19/4/2011), Cuba đã nỗ lực triển khai lộ trình “cập nhật hóa” mô hình kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả và năng suất lao động.

Nội hàm của khái niệm “cập nhật hóa” mô hình kinh tế gồm những thay đổi theo hướng xóa bỏ bao cấp, tinh giản biên chế, phát triển kinh tế tự doanh, mở cửa thị trường nội địa, coi trọng hợp tác kinh tế và đầu tư nước ngoài…

Ngày 25-11-2011, Chính phủ Cuba ban hành một số quy định mới trong lĩnh vực tín dụng và ngân hàng nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh của thành phần kinh tế tư nhân.

Theo đó, mọi đối tượng tham gia hoạt động kinh tế cá thể, kể cả các chủ sở hữu đất nông nghiệp và những người được nhà nước giao đất hoang để canh tác, đều có quyền vay vốn ngân hàng để mua hàng hóa, thiết bị và nguyên liệu cần thiết phục vụ công việc kinh doanh của mình.

Ngay trước đó, ngày 3-11, Chủ tịch Raul Castro ký sắc lệnh về mở cửa thị trường bất động sản để người dân nước này và người nước ngoài thường trú tại Cuba có thể mua bán và chuyển nhượng tự do quyền sở hữu nhà ở. Cuba ưu tiên phát triển dự án đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực du lịch, dầu khí, năng lượng và khai khoáng.

Cuba đang xem xét điều chỉnh luật lao động để mở rộng hơn nữa quyền lợi đối với lực lượng lao động gia tăng nhanh chóng trong lĩnh vực tư nhân. Hơn 350 nghìn người được cấp phép kinh doanh cá thể trong 181 loại ngành nghề và dịch vụ khác nhau.

Theo Bộ Lao động và An sinh Cuba, hôm 2-7, tính từ đầu năm 2012 đến nay, đã có thêm 25.000 người được cấp giấy phép kinh doanh cá thể, chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, vận chuyển hàng hoá và hành khách, cho thuê nhà, bán hàng rong...

Theo thống kê của Bộ Lao động và An sinh xã hội, hiện Cuba có gần 400.000 lao động trong lĩnh vực tư nhân về xây dựng. Con số này sẽ tăng lên 600.000 người vào cuối năm 2012. Chính phủ Cuba hy vọng lĩnh vực này sẽ đóng góp khoảng 50% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này.

Kết quả tích cực

Chính sách mới đang tạo ra hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội. Đời sống người dân đã được cải thiện đáng kể. Năm 2011, Cuba đạt tăng trưởng 2,7% trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm.

Theo số liệu chính thức được công bố hôm 4-6, thu nhập trung bình hàng tháng của người dân nước này đã tăng 17% trong 5 năm qua. Chính phủ Cuba đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2012 là 3,4%.

Trong lộ trình “cập nhật hóa” mô hình kinh tế hơn 1 năm qua, khuyến nông được đẩy mạnh, đất hoang được giao cho nông dân, bếp ăn tập thể giảm, giá thu mua nông sản tăng, giảm dần bao cấp của Nhà nước, từng bước dỡ bỏ việc áp dụng hệ thống đồng tiền kép… Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 100 nghìn hộ nông dân đã được giao 1,3 triệu ha đất hoang hóa để sản xuất và được phép bán sản phẩm ra thị trường.

Hàng nông sản tươi sống xuất hiện ngày càng phong phú tại các chợ dân sinh. Chính phủ giảm giá của 150 loại thiết bị và vật liệu nông nghiệp thiết yếu.

Hoạt động đối ngoại của Cuba cũng đang được triển khai sâu rộng với hàng loạt chuyến thăm, hàng loạt thoả thuận hợp tác được ký kết.

Ngày 30-5 vừa qua, tàu hỗ trợ Fort Rosalie của Hải quân Hoàng gia Anh đã cập cảng La Habana, thực hiện chuyến thăm Cuba 5 ngày để thúc đẩy quan hệ song phương và chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh chống buôn lậu ma túy ở biển Caribê.

Lê Phương
Tổng hợp

Chủ tịch Cuba Raul Castro Ruz tới thăm Việt Nam

Chiều 7 - 7, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba Raul Castro Ruz, đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, từ ngày 8 đến 9- 7, theo lời mời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Cùng đi với ông Raul Castro Ruz có Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Ricardo Cabrisas Ruiz; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bruno Rodríguez Parrilla; Đại sứ nước Cộng hòa Cuba tại Việt Nam Fredesman Turro Gonzalez.

Ông Raul Modesto Castro Ruz sinh ngày 3- 6- 1931. Trong thời gian học đại học, ông tham gia phong trào sinh viên yêu nước chống lại chế độ độc tài Batista. Sau khi Cách mạng Cuba thành công (1 – 1 - 1959), ông đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Oriente. Từ tháng 10 - 1959 đến tháng 2 - 2008, ông được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ các Lực lượng Vũ trang Cách mạng Cuba.

Tháng 10 - 1965, ông tham gia thành lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba và được bầu giữ chức Bí thư thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tiếp đó, ông liên tục được tái bầu giữ chức vụ này từ Đại hội I cho đến Đại hội V. Tháng 12 - 1976, ông được phong hàm Đại tướng. Từ năm 1976 (thời điểm Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba được thành lập) cho đến nay, ông liên tục được bầu làm Đại biểu Quốc hội và giữ chức Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba (đến tháng 2- 2008).

Tháng 7- 2006, Chủ tịch Fidel Castro, do sức khỏe suy giảm, đã giao quyền lãnh đạo Nhà nước cho ông Raul. Từ ngày 24 – 2 - 2008, ông được Quốc hội khóa VII bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba. Ngày 19- 4 -2011, ông được Đại hội VI Đảng Cộng sản Cuba bầu làm Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Do những công lao và cống hiến to lớn đối với sự nghiệp Cách mạng Cuba, ông Raul đã được Nhà nước Cuba tặng thưởng danh hiệu cao quý “Anh hùng nước Cộng hòa Cuba”, Huân chương Maximo Gomez hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. ông cũng đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý của nước ngoài, trong đó có Huân chương Hồ Chí Minh (1985).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
'Đãi cát tìm vàng' để thu thuế thương mại điện tử
'Đãi cát tìm vàng' để thu thuế thương mại điện tử
Mỗi kỳ kê khai, sàn thương mại điện tử (TMĐT) cung cấp thông tin của hàng triệu giao dịch, hàng trăm nghìn cá nhân, tổ chức kinh doanh. Từ khối dữ liệu khổng lồ này, cán bộ thuế phải phân tích, đưa ra mã số thuế của cá nhân, doanh nghiệp, chuyển tới cục thuế địa phương tìm hiểu, kiểm tra, yêu cầu nộp thuế. Quá trình phân tích dữ liệu được ví như “đãi cát tìm vàng” để chống thất thu thuế TMĐT.