> Bộ trưởng Quốc phòng Brazil bị sa thải vì nói xấu người khác
Bà Dilma Rousseff . |
Kết quả những cuộc thăm dò dư luận mới nhất ở Brazil cho thấy uy tín của bà Dilma Rousseff tăng vọt. Như vậy, chỉ trong 11 tháng kể từ khi bà Dilma nhậm chức, chỉ số tín nhiệm của bà trong người dân Brazil đã tăng thêm gần 15% ( bà trúng cử với 55,43% số phiếu).
Theo các nhà phân tích, nguyên nhân chủ yếu khiến uy tín của bà Dilma tăng cao như vậy là nhờ bà đã mạnh mẽ tuyên chiến với nạn tham nhũng. Hơn nữa, bà không chỉ dừng lại ở những lời tuyên bố mà còn kết hợp lời nói với việc làm cụ thể.
5 Bộ trưởng bị sa thải
Có thể nói, nạn tham nhũng đã trở thành quốc nạn ở đất nước Nam Mỹ này. Theo số liệu của Liên hiệp Công đoàn công nghiệp San Paulo (FIESP - Tổ chức Công đoàn lớn nhất Brazil), các loại tham nhũng khác nhau trong các cơ quan Nhà nước Brazil trong năm 2010 đã ngốn mất gần 2,3% GDP nước này, tức là 69,1 tỷ real.
Với số tiền này có thể xây dựng 277 sân bay mới hoặc tăng gấp đôi chỗ làm ăn lương trong toàn bộ ngành đại học Brazil.
Hơn thế nữa, bà Dilma còn biết cách biến ý tưởng chống tham nhũng của bà thành ý tưởng của toàn dân, vì thế đã thu hút được vào cuộc đấu tranh này không chỉ các cơ quan bảo vệ pháp luật, báo chí và tôn giáo mà còn thu hút được đông đảo những người dân bình thường.
Tân tổng thống Brazil Dilma Rousseff triệt để sử dụng kết quả các cuộc điều tra do báo chí thực hiện. Hầu hết những nhân vật cao cấp trong Chính phủ bị bà sa thải sau khi có những bài tố giác họ trên báo chí với những bằng chứng cụ thể và xác thực. |
Nhân vật cao cấp đầu tiên bị bà Dilma sa thải là Chánh Văn phòng Chính phủ Antonio Palosi. Ông ta không thể giải thích được tại sao tài sản của ông ta chỉ trong vài năm đã tăng lên nhanh chóng như vậy. “Nạn nhân” tiếp theo là Bộ trưởng Du lịch Pedro Novais, một chính khách đầy thế lực, thành viên trong Chính phủ liên hiệp suốt 5 nhiệm kỳ liền.
Trong suốt thời gian dài, ông ta đã tạo lập được cả một hệ thống biển thủ công quỹ Nhà nước để tiêu xài cho các mục đích cá nhân. Bộ trưởng Nông nghiệp Vagner Rossi bị sa thải vì đã nhận tiền hối lộ của các doanh nhân rồi “quan tâm” đến quyền lợi của họ.
Bộ trưởng Giao thông Alfredo Nasimento bị sa thải vì đã tổ chức ngay trong Bộ của mình một cơ sở “kinh doanh gia đình” chuyên bán các gói đấu thầu xây dựng đường sắt.
Còn nhân vật cao cấp cuối cùng mới bị sa thải hồi cuối tháng 10 vừa qua là Bộ trưởng Thể thao Orlando Silva. Ông ta bị cáo buộc đã sử dụng bất hợp pháp những khoản tiền lớn trong ngân sách để thực hiện chiến dịch tranh cử cho cá nhân ông ta.
Những vụ sa thải nói trên đều gây chấn động trong dư luận xã hội Brazil không chỉ bởi vì tất cả 5 nhân vật bị sa thải đều thuộc hàng Bộ trưởng mà còn vì những “dư chấn” tiếp theo, khi hàng loạt viên chức các cấp thấp hơn vướng vào mạng lưới tham nhũng nên cũng bị sa thải theo.
Không thể làm một lần là xong
Dĩ nhiên, không phải người nào ở Brazil cũng tán thành những hành động chống tham nhũng kiên quyết của bà Dilma. Các đảng tham gia Chính phủ liên hiệp của bà bất mãn vì các quan chức cao cấp bị sa thải phần lớn là các thành viên trong đảng của họ.
Họ tuyên bố theo lối “vơ đũa cả nắm” rằng: “Các quan chức quản lý chúng ta toàn là những kẻ tham nhũng”. Nhưng không một đảng nào rút khỏi Chính phủ bởi vì họ thấy rõ chủ trương của bà Dilma nhận được sự ủng hộ rộng rãi của đông đảo quần chúng.
Rất nhiều cuộc mít tinh chống tham nhũng diễn ra tại nhiều nơi dưới khẩu hiệu “Hoặc Brazil tiêu diệt nạn tham nhũng hoặc nạn tham nhũng tiêu diệt Brazil”.
Còn về phần bà Dilma, bà biết rõ cuộc đấu tranh mà bà phát động không hề đơn giản, không thể làm một lần là xong, thậm chí mỗi biện pháp được thực hiện có thể còn làm cuộc đấu tranh trở nên gai góc hơn.
Bà cũng hiểu rõ, không thể tiêu diệt hoàn toàn được nạn tham nhũng vì không hề có Nhà nước lý tưởng, nhưng có thể giảm bớt được đáng kể vấn nạn này. Bà thẳng thắn thừa nhận cuộc đấu tranh chống tham nhũng là “sự mạo hiểm nghề nghiệp” của bà, nhưng bà tự tin có đủ ý chí chính trị để đạt được mục đích đã đặt ra.
Vũ Việt
Theo Pravda.ru