Trong phiên tòa hôm qua, chủ tọa cho biết tâm lý, sức khỏe của các bị cáo cũng như những người tham gia phiên tòa đã bị suy giảm nhưng phiên tòa vẫn phải tiếp tục.
Công tố viên nhận định, phía đại diện ngân hàng ACB đã đưa ra thông báo số dư tài khoản mang tên ông Phạm Công Hoàng (một trong những nhân viên được ACB ủy quyền gửi tiền vào Vietinbank) mà Vietinbank TPHCM ký gửi mới đây và cho rằng tình tiết mới này chứng minh tiền của ACB đã vào tài khoản của Vietinbank và buộc ngân hàng này phải bồi thường.
Theo đại diện VKS, đây không phải tình tiết mới, ngoài ông Hoàng được thông báo về số dư, tài khoản của 16 nhân viên khác của ACB cũng vẫn còn tiền. Hồ sơ vụ án thể hiện cho đến thời điểm vụ án được khởi tố, tài khoản của 17 nhân viên ACB vẫn còn 21 tỷ đồng.
Theo đại diện VKS, cáo trạng và cơ quan điều tra kết luận Huyền Như đã chiếm đoạt 718,9 tỷ đồng vì Như nhắm đến chiếm đoạt tiền của ACB ngay từ đầu, khi tiền chuyển vào tài khoản của những nhân viên này ở Vietinbank là đã thoát khỏi sự quản lý của ACB và hành vi chiếm đoạt của Như hoàn thành.
Còn số tiền 21 tỷ đồng còn lại là do hành vi của Như bị phát hiện, Như chưa rút được. Việc không chiếm đoạt được hết hoàn toàn do nguyên nhân khách quan, ngoài ý muốn của Như.
Luật sư phản pháo
Luật sư Lưu Văn Tám, bảo vệ cho ACB “phản pháo”. Ông Tám cho rằng, lập luận của VKS rất mâu thuẫn, bởi công tố viên đã thừa nhận hậu quả trong vụ án này là Như chiếm đoạt 718,9 tỷ đồng của ACB nhưng cũng thừa nhận còn 21 tỷ đồng bao gồm 950 triệu đồng của ông Hoàng.
Nếu quy kết số tiền Như chiếm đoạt 718,9 tỷ đồng này thì cơ quan công tố chưa điều chỉnh trừ 21 tỷ đồng còn lại. Nếu trừ đi, con số Như chiếm đoạt chỉ hơn 697 tỷ đồng.
“Hiện trong tài khoản của 19 nhân viên của ACB vẫn còn tiền nhưng còn bao nhiêu thì chưa ai xác định. Thử hỏi nếu những người này cầm sổ đến Vietinbank rút tiền có được hay không khi công tố xác định Như đã chiếm đoạt?” - ông Tám nói. Đây là mâu thuẫn lớn nếu lý giải theo quan điểm của VKS. Phải thống nhất lại là Như trả tiền Vietinbank và Vietinbank trả tiền cho khách hàng thì mới logic, mới giải tỏa được hết mọi mâu thuẫn.
Các luật sư khác cũng cho rằng, VKS sử dụng lời khai của Huyền Như làm chứng cứ là không phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (Khoản 2 điều 72) vì lời khai này không phù hợp với lời khai của các bị cáo khác và các chứng cứ khác.
Công tố viên: Lỗi do khách hàng
Cũng trong phiên tòa hôm qua, phía cơ quan công tố cũng đã đối đáp với ý kiến của các luật sư bảo vệ cho các nguyên đơn dân sự khác gồm Cty chứng khoán Saigonbank - Berjayra và 3 Cty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên (bị chiếm đoạt 1.600 tỷ).
Theo công tố viên, nguyên nhân việc để Như chiếm đoạt số tiền này là do những đơn vị này “ham lãi suất cao”, quá tin Như nên đã giao phó toàn bộ số tài sản khổng lồ của mình cho Như định đoạt mà không hề đến ngân hàng để thực hiện các giao dịch.
Theo đó,VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố như ban đầu. Song, VKS cũng chấp nhận một số quan điểm của các luật sư và đề nghị HĐXX xem xét một số tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.
Bên cạnh đó, VKS vẫn bảo lưu quan điểm lỗi trong vụ án này là của khách hàng: Bắt đầu từ việc mở tài khoản chưa hợp lệ, giao thẳng quyền định đoạt cho Như, tạo điều kiện để Như khắc dấu giả thực hiện hành vi gian dối.
“Nếu không có khoản lãi suất vượt trần ngoài hợp đồng, nhận tiền ngay thì những người này có giao tiền cho Như không? Thiệt hại là điều hiển nhiên, không đổ trách nhiệm cho Viettinbank không kiểm soát được. Bởi họ đã giao cho Vietinbank cái không có thật thì Vietinbank không thể quản lý được, trong khi các Cty trên chưa thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình” - công tố viên lập luận.
Lời nói sau cùng
Đến phần nói lời sau cùng, bị cáo Huyền Như đã khóc nức nở: “Bị cáo xin lỗi lãnh đạo Vietinbank, xin lỗi toàn bộ cán bộ công nhân viên Vietinbank. Bị cáo xin lỗi gia đình vì đã lôi kéo chị ruột (đang bán hột vịt lộn ở quê thì Huyền Như kéo lên làm phó giám đốc Cty của Huyền Như) vào con đường phạm tội…”. Bị cáo Võ Anh Tuấn cho rằng bị oan ức, không đồng phạm với Huyền Như, không biết Huyền Như lừa đảo… Các bị cáo nguyên là cán bộ phòng giao dịch của Vietinbank đều cho rằng không biết Huyền Như lừa đảo, nên không phạm tội.
Bị cáo Nguyễn Thiên Lý (cho vay lãi nặng) nói lời sau cùng: “Bị cáo đã khuyên Huyền Như đừng lao theo ham muốn mà vi phạm pháp luật, nhưng bị cáo Như vẫn không nghe, bất chấp… Huyền Như còn nợ tiền bị cáo. Bị cáo thừa sức bồi thường thiệt hại”.
HĐXX cho biết kết thúc xét xử để nghị án. 8h30 sáng thứ Hai (27/1), Tòa sẽ tuyên án.