Về huy động vốn ODA, theo Bộ Tài chính, tính riêng 9 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã huy động được hơn 350 nghìn tỷ đồng, đạt 77,5% kế hoạch năm.
Trong khi đó, ngân sách phải chi ra hơn 176,8 nghìn tỷ đồng trả nợ, trong đó trả nợ vay trong nước hơn 140 nghìn tỷ đồng, và trả nợ vay nước ngoài hơn 36,6 nghìn tỷ đồng.
Theo ông Hoàng Hải, các con số trên đều nằm trong hạn mức Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch từ đầu năm và được Chính phủ phê duyệt.
Tính tổng 10 năm qua (2005-2015), Việt Nam đã ký kết vay 45 tỷ USD vốn ODA nước ngoài. Số vốn này dùng cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục…
Tuy vậy, có thể từ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ được Ngân hàng Thế giới đưa ra khỏi diện được vay ưu đãi phát triển vì trở thành nước thu nhập trung bình.
Khi đó, áp lực trả nợ vay nước ngoài sẽ lớn hơn, các khoản vay mới cũng ít ưu đãi hơn, lãi suất cao hơn, thời gian vay ngắn hơn…
Điều này, theo Bộ Tài chính, Việt Nam sẽ phải tính toán và cơ cấu lại nợ, đồng thời phải làm sao sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay và cân đối với khả năng trả nợ.