Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương ngày 9/1, theo số liệu tổng hợp, doanh thu 33 tập đoàn, tổng công ty toàn khối ước đạt 1.429 nghìn tỷ đồng; bằng 92,8% năm 2015. Lợi nhuận trước thuế toàn khối ước đạt 97 nghìn tỷ đồng, tăng 8,87% so với năm 2015. Số tiền nộp ngân sách nhà nước ước đạt trên 195 nghìn tỷ đồng, bằng 87% năm 2015. Tăng trưởng tín dụng các ngân hàng đạt 15,04%, nợ xấu các ngân hàng thương mại dưới 3%.
Với Tổng Cty Công nghiệp Tàu thủy, sản xuất kinh doanh vượt mức kế hoạch năm, ước lãi 117,7 tỷ đồng. Tuy nhiên tổng công ty lỗ do chi phí tài chính, khấu hao tài sản cố định, lỗ do thuê thiết bị, mặt bằng… Tổng mức lỗ phát sinh trong năm 2016 lên tới 5.404 tỷ đồng. Với Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, lợi nhuận hợp nhất ước lỗ 628 tỷ đồng. Riêng 5 Cty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Cty CP Đạm Hà Bắc; Cty CP DAP số 2-Vinachem; Cty CP DAP – Vinachem và Cty CP xà phòng Hà Nội phát sinh lỗ 3.372 tỷ đồng.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mặc dù sản lượng khai thác vượt kế hoạch năm, nhưng do giá dầu xuống thấp nên các chỉ tiêu tài chính năm 2016 đều giảm mạnh so với năm 2015. Doanh thu ước đạt 440 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 24,2 nghìn tỷ đồng. Số tiền nộp ngân sách năm 2016 của PVN đạt 86 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 74,7% năm 2015.
Năm 2016, tuy doanh thu và nộp ngân sách toàn khối đạt thấp hơn năm 2015 do ảnh hưởng của giá dầu xuống thấp, nhưng điểm sáng quan trọng là hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp đều tăng cao, đặc biệt là các đơn vị trong lĩnh vực dịch vụ như: VNPT, Vietcombank, SCIC, Vietnam Airlines, Petrolimex, VTC, Vnpost,… Đặc biệt, chất lượng tài sản và tín dụng được nâng cao. BIDV là ngân hàng Việt Nam đầu tiên có tổng tài sản vượt trên 1 triệu tỷ đồng, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên thu hồi xong nợ xấu từ VAMC, đưa nợ xấu về một sổ và dẫn đầu về lợi nhuận trước thuế (trên 8.200 tỷ đồng).
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, điểm yếu nhất của doanh nghiệp nhà nước là năng lực quản trị và kỷ cương, kỷ luật tài chính.
“Để đất nước nói chung và doanh nghiệp nói riêng phát triển nhanh, bền vững phải dựa vào năng lực khoa học công nghệ chứ không phải dựa vào tài nguyên thiên nhiên. Những năm qua, ngoài phần đầu tư trực tiếp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước rất ít đổi mới máy móc, thiết bị. Tôi mong các tập đoàn, tổng công ty trong khối cần đưa việc đổi mới công nghệ, đội ngũ cán bộ quản lý chuyên nghiệp, kỹ sư giỏi để làm sức bật cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Văn Bình nói.